Vitamin B1 là một trong những vitamin nhóm B phổ biến. Vitamin B1 giúp các tế bào trong cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Nếu bạn không có đủ vitamin B1, quá trình này không thể hoạt động bình thường. Bạn có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn và yếu cơ. Uống vitamin B1 giúp khôi phục mức vitamin B1 bình thường trong cơ thể bạn. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết xem vitamin b1 có tác dụng gì và cách dùng như thế nào cho phù hợp.
1. Tổng quan về Vitamin B1
+ Khái niệm về Vitamin B1:
Vitamin B1 (Thiamine) là loại vitamin được phát hiện đầu tiên trong nhóm B, vì thế được đặt tên đầu tiên. vitamin B1 có đặc điểm là tan trong nước, có sẵn trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như: đậu, gạo, thịt lợn, ngũ cốc dinh dưỡng,… Ngoài ra, vitamin B1 cũng có trong các loại vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Thiamine là thành phần để tạo ATP - phân tử mang năng lượng của tế bào. Vitamin B1 tham gia vào nhiều hoạt động sống của cơ thể, liên quan đến sự phát triển, tăng trưởng và thực hiện chức năng của mọi tế bào ở cơ thể.
Hiện nay, do mức sống tăng nên tình trạng thiếu vitamin B1 rất hiếm gặp, thường chỉ thấy ở người có hệ miễn dịch suy giảm, có các tác nhân làm giảm nồng độ vitamin B1 hấp thu như: nghiện rượu, dùng thuốc lợi tiểu, chán ăn, mắc bệnh Crohn, người chạy thận nhân tạo,…
Thiếu vitamin B1 có thể gây ra nhiều bệnh lý, trong đó có hội chứng Beriberi và bệnh thần kinh Wernicke-Korsakoff. Người bệnh gặp bất thường về chức năng tim, hơi thở và cử động mắt, rối loạn chức năng thần kinh và suy giảm thị lực. Với những bệnh nhân này, bổ sung vitamin B1 dạng thuốc hoặc đường tiêm có thể cải thiện được vấn đề. Tuy nhiên, thiếu vitamin B1 gây tổn thương vĩnh viễn chức năng nhớ của não thì không thể phục hồi.
+ Vai trò của vitamin B1 đối với cơ thể người:
- Tham gia chuyển hóa đường:
Vitamin B1 lúc này cũng ở dạng thiaminpyrophosphat thực hiện bẻ gãy các hợp chất carbohydrate thành Glucose, trao đổi tạo sản phẩm acid pyruvic và acid cetoglutaric. Vì thế khi thiếu hụt vitamin B1, quá trình trao đổi glucid sẽ ngừng trệ.
- Tham gia vào hệ enzyme decacboxyl oxy hóa:
Với vai trò này, vitamin B1 chuyển hóa ở dạng thiaminpyrophosphat, thực hiện decarboxyl oxy hóa các cetoaxit. Vì thế, khi thiếu vitamin này, các cetoaxit bị tích tụ lượng lớn, gây rối loạn trao đổi chất và các bệnh lý nghiêm trọng như: tê phù, giảm tiết dịch vị,…
- Tham gia chuyển hóa carbohydrate thành sản phẩm cơ thể sử dụng:
Thực phẩm khi được nạp vào cơ thể, cơ quan tiêu hóa sẽ hấp thu Carbohydrate cùng nhiều dưỡng chất khác. Vitamin B1 tham gia vào việc chuyển hóa carbohydrate này thành các sản phẩm cần thiết để cơ thể sử dụng, trong đó có năng lượng tế bào. Bệnh Beriberi chính là một trong những tình trạng nghiêm trọng do thiếu hụt vitamin B1 kéo dài.
- Tham gia phân giải Pyruvic tạo oxyethyl pyro phosphat:
Vitamin B1 sẽ ở dạng pyrophosphate để tham gia phân giải Pyruvic tạo oxyethyl pyro phosphat, liên quan đến con đường tổng hợp ATP và GTP cho tế bào sử dụng.
2. Vitamin B1 có tác dụng gì?
Vitamin B1 (Thiamine) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngăn ngừa các biến chứng trên hệ thần kinh, não, cơ, tim, dạ dày và ruột. Cơ thể cần B1 để:
+ Sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh.
+ Phá vỡ các phân tử carbohydrate (đường) từ thực phẩm, giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành năng lượng.
+ Sản xuất acid béo.
+ Ngăn ngừa các bệnh như tê phù beriberi, các rối loạn về tim và thần kinh.
+ Tổng hợp một số hormone.
+ Thiamine cũng được sử dụng cho các vấn đề tiêu hóa bao gồm: kém ăn, viêm loét đại tràng và tiêu chảy liên tục.
3. Đối tượng sử dụng Vitamin B1
+ HIV/AIDS.
+ Bệnh về tim như suy tim.
+ Đái tháo đường.
+ Nghiện rượu.
+ Các bệnh tổn thương não như hội chứng tiểu não.
+ Lão hóa.
+ Lở loét.
+ Các mục đích khác bao gồm: ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và bệnh thận tiến triển ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
+ Có vấn đề về thị lực như bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
+ Một số người sử dụng thiamine để duy trì tinh thần tích cực, tăng năng lượng, tăng cường khả năng học tập, điều trị trầm cảm và ngăn ngừa mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
+ Bác sĩ có thể tiêm thiamine cho điều trị một rối loạn trí nhớ được gọi là hội chứng bệnh não Wernicke và các hội chứng thiếu thiamine khác ở những người nguy kịch, cai rượu, nhiễm trùng huyết và hôn mê.
4. Liều dùng phù hợp vitamin B1
+ Đối với vitamin B1 dạng uống:
Tình trạng thiếu vitamin B1: 5-30 mg mỗi ngày, một liều duy nhất hoặc chia làm nhiều lần trong một tháng. Liều điển hình cho sự thiếu hụt nghiêm trọng vitamin B1 có thể lên đến 300 mg mỗi ngày.
Để giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể: Chế độ ăn uống hàng ngày khoảng 10 mg thiamine.
Đối với tổn thương thận ở những người mắc bệnh đái tháo đường (bệnh thận do đái tháo đường): 100 mg thiamine ba lần mỗi ngày trong 3 tháng.
Đối với đau bụng kinh: 100 mg thiamine, sử dụng riêng lẻ hoặc dùng cùng với 500 mg dầu cá, được sử dụng hàng ngày trong tối đa 90 ngày.
Vitamin B1 là một chất bổ sung vào chế độ ăn uống ở người lớn nên thường được sử dụng 1-2 mg mỗi ngày. Lượng vitamin B1 trong chế độ ăn khuyến nghị hàng ngày (RDA) là:
Trẻ sơ sinh 0 - 6 tháng: 0,2 mg vitamin B1;
Trẻ sơ sinh 7 - 12 tháng: 0,3 mg vitamin B1;
Trẻ em 1-3 tuổi: 0,5 mg vitamin B1;
Trẻ em 4-8 tuổi: 0,6 mg vitamin B1;
Bé trai 9-13 tuổi: 0,9 mg vitamin B1;
Nam giới từ 14 tuổi trở lên: 1,2 mg vitamin B1;
Trẻ em gái 9-13 tuổi: 0,9 mg vitamin B1;
Phụ nữ 14-18 tuổi: 1 mg vitamin B1;
Phụ nữ trên 18 tuổi:1,1 mg vitamin B1;
Phụ nữ có thai: 1,4 mg vitamin B1;
Phụ nữ cho con bú: 1,5 mg vitamin B1.
+ Đối với vitamin B1 dạng tiêm:
Rối loạn chức năng não do nồng độ thiamine thấp (hội chứng Wernicke-Korsakoff) tiêm 5-200 mg thiamine một lần mỗi ngày trong 2 ngày.
+ Lưu ý khi sử dụng vitamin B1
Trà và cà phê có chứa tannin - là một chất tương tác với thiamine, khiến chúng khó hấp thụ hơn.
Một số chất trong động vật có vỏ và cá sống có khả năng phá hủy thiamine. Do đó dẫn đến thiếu vitamin B1 nếu ăn với số lượng lớn các loại động vật này. Nấu ăn cũng góp phần phá hủy thiamine có trong thức ăn.
Thường xuyên nhai cau (trầu) có thể làm thiếu hụt thiamine.
Hãy thông báo với bác sĩ nếu tình trạng của bạn vẫn còn hoặc trở nên xấu đi. Nếu bạn nghĩ rằng tình trạng trở nên nghiêm trọng thì bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức.
+ Trường hợp dùng quá liều vitamin B1:
Hiện vẫn chưa đủ bằng chứng về những ảnh hưởng có thể có của việc bổ sung vitamin B1 liều cao mỗi ngày. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyến cáo: Bạn nên bổ sung vitamin B1 thông qua một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng và cân bằng. Nếu bạn dùng chất bổ sung, đừng dùng quá nhiều vì điều này có thể gây hại. Uống 100 mg chất bổ sung vitamin B1 hoặc ít hơn trong một ngày dường như không gây ra tác hại nào. Tất cả các mô của cơ thể cần vitamin B1 để hoạt động bình thường.
5. Các câu hỏi thường gặp về Vitamin B1
+ Uống Vitamin B1 bao lâu thì có tác dụng?
Uống vitamin B1 sẽ bắt đầu tăng lượng vitamin B1 trong cơ thể bạn trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng nó để điều trị tình trạng thiếu vitamin B1, có thể mất vài tuần trước khi bạn bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Điều quan trọng là tiếp tục dùng vitamin B1 theo yêu cầu của bác sĩ.
+ Thời gian dùng Vitamin B1 trong bao lâu?
Nếu bác sĩ đã kê đơn thiamine để điều trị thiếu vitamin B1, bạn cần tiếp tục dùng thuốc cho đến khi cơ thể hoạt động bình thường trở lại và các triệu chứng thuyên giảm. Nhiều người bị thiếu vitamin B1 không thể hấp thụ đủ vitamin từ chế độ ăn uống bình thường của họ. Họ có thể cần tiếp tục dùng liều thấp thiamine trong một thời gian dài để tránh bị thiếu hụt trở lại. Nên tham khảo thêm bác sĩ về liều lượng và thời gian.
+ Có an toàn khi dùng Vitamin B1 trong một thời gian dài?
Có, thường không có vấn đề gì khi dùng Vitamin B1 trong một thời gian dài. Cơ thể bạn hấp thụ lượng vitamin B1 cần thiết. Phần còn lại được thải ra khỏi cơ thể bạn qua nước tiểu.
+ Nguồn cung cấp Vitamin B1 tự nhiên?
Thiamine được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Nguồn tốt của vitamin này bao gồm: các loại đậu, thịt bò, trứng, cam, ngũ cốc nguyên hạt, thịt lợn, thịt bò, gan, cá.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu xem vitamin b1 có tác dụng gì và cách sử dụng sao cho phù hợp. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và người thân. Cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !
Có thể bạn quan tâm:
>>> Vitamin h có tác dụng gì với sức khỏe con người?
>>> Công dụng Vitamin A với sức khỏe con người như thế nào?
>>> Công dụng của Vitamin C với sức khỏe con người như thế nào?
Viết bình luận