Nghệ đen là một loại thảo mộc với thân rễ có màu xanh đen hoặc nâu sẫm được dùng nhiều trong y học cổ truyền. Nghệ đen có tác dụng gì với sức khỏe là câu hỏi của nhiều người. Nghệ đen được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Công dụng nghệ đen rất tốt đối với sức khỏe người dùng, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như: dạ dày, nôn trớ ở trẻ em, liền sẹo, ăn không tiêu… Nhiều người đau dạ dày thường uống nghệ đen trộn mật ong và nghĩ rằng nghệ đen cũng giống nghệ vàng. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết xem nghệ đen có tác dụng gì với sức khỏe con người.
1. Tổng quan về nghệ đen
Nghệ đen có nhiều cái tên gọi khác nhau như nga truật, tam nại, ngải xanh, bồng nga truật, thanh khương, xú thể khương, thuật dược, … Tên khoa học của nó là Cucurma Caesia thuộc họ Gừng. Đây là thực vật thân thảo thường được trồng nhiều ở khu vực miền Bắc nước ta. Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và Indonesia. Người dân đem loài thảo dược này đến Châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ 6, nhưng ít người biết đến thảo dược có thể sử dụng làm gia vị. Thỉnh thoảng họ sử dụng nghệ đen để thay thế cho gừng.
Cây nghệ đen rừng có kích thước cao gần 2m. Thân rễ của nó có hình nón, xuất hiện các khía chạy dọc, bên trong chứa nhiều củ có thịt màu vàng. Ngoài những củ chính, còn có các củ phụ cuốn dọc hình trứng xung quanh.
Lá nghệ đen có đốm đỏ, gân lá chạy dọc, chiều dài khoảng từ 40-60cm, đường kính 7-9cm. Hoa thường mọc thành cụm mọc trước khi cây có lá. Lá bắc bên trên có màu đỏ và vàng, bên dưới có màu xanh nhạt. Hoa của cây có màu vàng nhạt, bầu có lông mịn, môi lõm ở đầu.
Tại các khu vực phía Nam thì loại nghệ này ít khi được sử dụng. Do đó, nhiều người nghĩ rằng, nghệ đen ít xuất hiện nên nó rất quý hiếm và nhiều dược tính tốt như những lời đồn. Bởi thường cái nào khó gặp thì người ta nghĩ nó rất quý hiếm, giá trị cao.
Thật sự thì giữa nghệ đen và nghệ vàng có giá trị tương đương nhau. Tuy vậy, theo Đông y, khả năng phá ứ, thông huyết, điều kinh của nghệ đen tốt hơn nghệ vàng. Về hình dạng thì chúng đều gần giống nhau, khác nhau về thịt bên trong. Nghệ đen có màu tím đậm.
Tên khác: Nga truật, tam nại, ngải xanh, nghệ tím, nghệ đăm, bồng nga truật, xú thể khương, thanh khương, phá quan phủ, thuật dược.
Tên khoa học: Cucurma Caesia
Họ: Gừng (Zingiberales)
Mô tả cây nghệ đen:
Đặc điểm: Cây thân thảo, mọc thẳng, có thể đạt đến chiều cao cỡ 1,5m. Thân rễ hình nón có các khía chạy dọc và mọc nhiều nhánh phụ non mang theo nhiều củ. Lá màu xanh nhợt, dài khoảng 30 – 60 cm và rộng từ 7 -8 cm, có bẹ to mọc từ dưới chân cây lên. Gân chính của lá màu đỏ. Cuống lá rất ngắn, một số lá không có cuống. Hoa của cây nghệ đen thường ra trước khi có lá. Nó mọc thành cụm đâm từ thân rễ lên, màu vàng, dài khoảng 15mm, môi lõm ở đầu, thùy giữa nhọn, bầu có lông mịn. Quả nghệ đen hình trứng, nhẵn, có 3 cạnh. Quả chứa hạt thuôn, màu trắng
+ Đặc điểm dược liệu: Cây nghệ đen dùng củ làm thuốc (Đông y gọi là nga truật). Củ hình con thoi hoặc hình trứng. Đầu trên phình to và thu nhỏ dần về phía đầu dưới. Chiều dài củ dao động từ 2 - 4 cm, lớp vỏ bên ngoài màu vàng nâu, bề mặt trơn bóng. Thịt củ màu xanh thẫm hoặc tím nhạt.
+ Phân bố: Nghệ đen là cây bản địa của Indonesia và Ấn Độ. Ngay từ thế kỉ thứ 6, thảo dược này đã được người Arab mang đến Châu Âu nhưng không được người phương Tây sử dụng nhiều. Ngày nay, nghệ đen được trồng nhiều tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác. Ở nước ta, cây ưa sống ở những vùng đất xốp ẩm, ven suối hoặc ở rừng núi.
+ Bộ phận dùng: Bộ phận được sử dụng chủ yếu của cây nghệ đen chính là củ tươi hoặc khô
+ Thu hái - Sơ chế: Củ nghệ đen được thu hoạch vào tháng 11 - 12 hàng năm. Phần củ đem về sẽ được rửa sạch đất cát, cắt bỏ hết rễ con.
+ Bào chế thuốc:
- Theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải: Đổ giấm vào một cái chậu sành có đáy nhám. Sau đó mài ngủ nghệ đen và hơ trên lửa cho bột khô lại. Dùng bột này để làm thuốc.
- Theo Bản Thảo Cương Mục: Ủ củ nghệ đen vào tro nóng cho đến khi chín mềm, giã nát và sao với giấm
- Theo Dược Tài Học: Luộc củ nghệ đen cho chín, xắt mỏng, phơi khô. Một cách khác là lấy nghệ đen đun với giấm theo tỷ lệ 600g nghệ/160g giấm, đun cho cạn nước rồi bào mỏng, phơi khô.
+ Bảo quản: Nên bảo quản nghệ đen trong hộp kín, để nơi khô ráo, tránh ẩm. Năng phơi sấy để tránh bị mốc.
+ Thành phần hóa học: Nghiên cứu khoa học cho thấy nghệ đen có chứa các thành phần sau:
1-1,5% tinh dầu: Bao gồm Cinecol (9,6%), D – camphen, sesquiterpen ancol (48%), Zingibezen (35%) và một số chất khác.
3,5% chất nhầy
Curcumin
Secquitecpen
Axit và phenol: Chẳng hạn như Tricyclo 5.1.0.02,4 hay p-(2-methylallyl)-( 11,45%)
Curzerenone 44,93%
Camphene
Ar-turmerone
Germacrone 6,16%
Difurocumenone
Curcurmenole
Isocurcurmenole…
Vị thuốc nghệ đen
Củ nghệ đen
Củ nghệ đen được dùng làm thuốc trong Đông y với tên gọi là nga truật
+ Tính vị:
- Theo Khai Bảo Bản Thảo: Nghệ đen tính ôn, vị cay, đắng, không có độc
- Theo Y Học Khải Nguyên: Dược liệu này có vị đắng, tính bình
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Nghệ đen vị đắng, cay, tính ấm
+ Quy kinh: Nghệ đen có khả năng đi vào các kinh: Can, Phế, Tỳ, túc Quyết âm Can
2. Nghệ đen có tác dụng gì?
+ Chữa các bệnh về phổi:
Nhờ hợp chất curcumin có trong nghệ đen đã khiến loại củ này có khả năng hỗ trợ điều trị và cải thiện các bệnh liên quan đến phổi như viêm phổi, hen suyễn, viêm phế quản, … Thậm chí, người ta còn phát hiện tác dụng của nghệ đen không thua gì so với việc dùng các loại thuốc thông thường để điều trị bệnh, nhất là hệ thống miễn dịch được cải thiện đáng kể cho người bệnh.
+ Nghệ đen có tác dụng chống viêm, giảm đau:
Tinh bột nghệ đen có trong thực phẩm có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Bởi nó chứa các hoạt chất chống viêm, giúp ngăn ngừa các bệnh tật bệnh tim, hen suyễn và sự lão hoá sớm. Hơn thế, bên trong nghệ có chứa curcumin làm giảm đau khác do các triệu chứng viêm khớp. Curcumin cũng có tương tự trong nghệ vàng, chất này còn có tác dụng làm lành các vết viêm loét ở ổ dạ dày, đại tràng. Vì thế, người ta còn ứng dụng nó để điều trị cho các bệnh nhân bị viêm dạ dày.
+ Giảm đau, phát ban:
Nghệ đen còn trở thành thực phẩm tuyệt vời để giảm đau và khắc phục tình trạng phát ban trên cơ thể hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng quá nhiều nghệ đen trong việc chữa trị, thay vào đó là sử dụng nghệ đen với liều lượng vừa phải và nếu có dấu hiệu bất thường thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để kịp thời điều trị.
+ Ngăn ngừa ung thư:
Tương tự như gừng và nghệ vàng, các nhà khoa học đã chứng minh: hợp chất curcumin trong nghệ đen có thể ức chế tế bào ung thư phát triển. Việc dùng nghệ đen còn được khuyến khích sử dụng đồng thời với phương pháp hóa trị để chống lại các tế bào ung thư.
Một số nghiên cứu cho thấy nghệ đen có chứa curcumin có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành của các tế bào gây ung thư, giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả hơn. Đặc biệt hoạt chất này còn phá huỷ các tế bào gây ung thư tuyến tiền liệt làm giảm sự hình thành các khối u, tế bào di căn. Bên cạnh đó, hỗ trợ các loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả hơn.
+ Hỗ trợ giảm cân:
Hợp chất trong nghệ đen còn hiệu quả đối với việc phân hủy chất béo bị tích tụ lâu ngày trong cơ thể. Vì vậy, bạn có thể nghĩ đến việc chọn nghệ đen trong chế độ ăn uống hằng ngày, giúp kiểm soát cân nặng lý tưởng cũng như hỗ trợ tốt cho quá trình giảm cân của bạn. Ngoài ra, nghệ đen còn giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt, giảm nguy cơ kháng insulin và ngăn ngừa bệnh gan xảy ra.
+ Giàu chất chống oxy hoá:
Củ nghệ đen chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, nhất là curcumin có khả năng kiềm hãm sự gây hại của các gốc tự do - vốn là nguyên nhân gây ra lão hóa, các bệnh mãn tính và ung thư. Chính vì vậy, bạn hãy sử dụng nghệ đen cùng với một số trái cây có chứa chất chống oxy hóa để tạo ra nước ép hoặc sinh tố, thậm chí làm món salad trái cây để thưởng thức, sẽ giúp cải thiện sức khỏe bạn mỗi ngày đấy nhé!
+ Làm đẹp da:
Vì chứa nhiều chất chống oxy hóa nên nghệ đen có tác dụng làm đẹp da nhờ ức chế được các nhân tố gây ra bệnh lão hóa như các gốc tự do. Hơn nữa, hợp chất trong nghệ đen còn hiệu quả trong việc điều trị tình trạng ngứa da và viêm da, thậm chí còn làm giảm vết bầm tím và vết thương (không hở) trên da.
+ Nghệ đen có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá:
Nghệ đen là một sự lựa chọn hoàn hảo đối với những người gặp phải các triệu chứng về tiêu hoá. Thảo dược được áp dụng vào các bài thuốc chữa chứng bụng đầy hơi. Bởi trong thảo dược có chứa các hoạt chất làm kích thích túi mật, thúc đẩy quá trình tiêu hoá thức ăn. Đặc biệt là các bệnh nhân bị viêm đại tràng.
Người bệnh có thể lấy củ nghệ phơi khô, tán nhuyễn thành bột, pha nước ấm để uống. Hoặc lấy bột này, trộn với mật ong, tạo hỗn hợp sền sệt, sau đó vo viên hoàn, to cỡ đầu ngón tay út, làm thuốc viên để dành uống dần.
3. Các bài thuốc từ nghệ đen
+ Chữa ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi:
Chuẩn bị 25g nghệ đen và một quả tim lợn
Sơ chế tim lợn sạch sẽ, thái miếng vừa ăn
Nghệ đen cũng đem thái lát mỏng rồi nấu chung với tim lợn
Nêm nấm gia vị cho vừa miệng, dọn ăn kèm với cơm
Dùng liên tục trong 5 ngày đến 1 tuần giúp ăn uống dễ tiêu hơn và cải thiện các triệu chứng khó chịu khác ở bụng.
+ Chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng ở trẻ em:
Chuẩn bị nghệ đen, tam lăng, hồ tiêu và la bặc tử mỗi vị 5g, chế hương phụ, chỉ thực, thanh bì mỗi vị 6g, trần bì 10g, sa nhân và lô hội, hồ hoàng liên mỗi vị 3g.
Tán thuốc thành bột, trộn chung với hồ, vo viên hoàn.
Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 – 6g. Uống với rượu gạo ấm
Kiêng cho trẻ dùng thức ăn chưa được nấu chín, thực phẩm có tính lạnh trong quá trình điều trị.
+ Điều trị bệnh tâm thần:
Chuẩn bị bột củ nghệ đen, thược dược, đại hoàng. Cứ 10g nghệ đen thì dùng 3g thược dược và 3g đại hoàng.
Trộn chung 3 vị thuốc và chế thành viên nặng khoảng 8g
Khi sử dụng lấy 6 – 8 viên uống, mỗi ngày 3 lần
Một liệu trình uống liên tục 30 ngày
+ Chữa nôn trớ ở trẻ khi bú sữa ở trẻ nhỏ:
Chuẩn bị 4g nghệ đen, 4 hạt muối ăn, ngưu hoàng lượng cỡ bằng hạt gạo
Hòa nghệ đen với sữa và muối, nấu sôi trong khoảng 5 phút
Tiếp tục thêm ngưu hoàng vào quậy tan ra
Chia uống vài lần trong ngày.
+ Chữa ăn uống không ngon miệng, hoa mắt, chóng mặt:
Chuẩn bị một thang thuốc gồm: Đương quy, đào nhân, ngưu tất, hà thủ ô, sài hồ (mỗi vị 20g), lô hội (25g), nghệ đen và hoàng kỳ (mỗi vị 30g), long đởm thảo và đại hoàng (mỗi vị 10g).
Đem thuốc sao vàng, thái nhỏ
Cho tất cả vào bình thủy tinh, đổ rượu ngập mặt thuốc rồi ngâm trong 2 tuần.
Khi sử dụng mỗi lần uống 20ml x 2-3 lần/ngày.
+ Trị nứt gót chân:
Chuẩn bị bột nghệ đen và dầu dừa hoặc dầu thầu dầu
Trộn 2 nguyên liệu để được hỗn hợp hơi sền sệt
Đắp lên gót chân bị nứt vào buổi tối hàng ngày trước khi đi ngủ
Để 15 phút rồi rửa sạch lại
+ Làm mờ vết thâm, sẹo rỗ trên da, giúp nhanh lành vết thương:
Chuẩn bị củ nghệ đen tươi
Rửa sạch vùng da cần điều trị. Sau đó thái nghệ đen thành lát mỏng rồi đắp lên da
Để 20 – 30 phút. Lặp lại mỗi ngày khoảng 2 lần
+ Điều trị đau dạ dày, viêm đại tràng:
Chuẩn bị 2 thìa bột nghệ đen, 1 thìa mật ong nguyên chất
Pha 2 nguyên liệu đã chuẩn bị với 200ml nước ấm
Uống ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng mỗi ngày.
+ Chữa tắc kinh, ứ huyết, đau bụng trong thời kỳ hành kinh:
Chuẩn bị cây nghệ đen và ích mẫu mỗi vị 15g
Sắc uống mỗi ngày 1 thang trong 3 tuần liên tục.
+ Chữa biếng ăn, đi ngoài phân thối, suy dinh dưỡng, bệnh cam tích ở trẻ em:
Chuẩn bị 6g nghệ đen và 4g hạt muồng trâu
Sắc lấy nước đặc uống hàng ngày cho đến khi tình trạng được cải thiện
Ngày dùng 1 tháng.
+ Trị đau bụng kinh:
Thành phần của bài thuốc gồm 20g nghệ đen, 8g ngải cứu và 16g ích mẫu
Cho 3 vị thuốc vào ấm sắc cùng 500ml nước, sắc cạn còn 200ml thì ngưng
Chia thuốc làm 2 lần uống, mỗi lần 100ml. Dùng trước bữa ăn chính
**Lưu ý: Cần sử dụng bài thuốc này trước kỳ kinh khoảng 5 – 7 ngày.
+ Chữa đau bụng từng cơn do bị nhiễm lạnh:
Chuẩn bị: Mộc hương 50g, củ nghệ đen 100g
Tán cả 2 thành bột mịn, cho vào hũ có nắp đậy kín để bảo quản được lâu.
Mỗi lần uống 2g. Dùng nước giấm pha loãng để uống thuốc.
+ Bồi bổ khí huyết, chữa thiếu máu, suy nhược, da dẻ xanh xao, hấp thu kém:
Nguyên liệu cho bài thuốc gồm: 40g nghệ đen, 40g xuyên khung, 40g cam thảo, 40g đỗ nhược, 40g hồi hương, 40g đương quy, 40g địa hoàng thán, 40g bạch thược.
Tán tất cả các vị thuốc trên thành bột mịn, vo thành viên hoàn nhỏ
Mỗi ngày uống 8 – 12g
+ Trị nhiễm nấm mãn tính đường ruột, ăn lâu tiêu, mệt mỏi, chướng hơi, lạnh bụng:
Chuẩn bị: Nghệ đen, tam lăng và củ gấu mỗi vị 160g, đinh hương và đăng tâm mỗi vị 16g, cốc nha, thanh mộc hương và thanh bì mỗi vị 20g, hạt cau, khiên ngưu mỗi vị 40g.
Tán hỗn hợp thành bột, vo viên hoàn
Tùy theo tình trạng bệnh mỗi ngày uống 8 - 12g với nước sắc gừng.
+ Chữa tổn thương da do bỏng:
Chuẩn bị bột nghệ đen và gel lô hội
Trộn 2 nguyên liệu với nhau và đắp lên khu vực da bị bỏng mỗi ngày giúp kháng khuẩn, chống viêm, đẩy nhanh tốc độ lên da non.
+ Chữa bệnh viêm dạ dày mãn tính:
Chuẩn bị 1kg củ nghệ đen, 300g ô tặc cốt, 200g trúc diệp sài hồ, mật ong nguyên chất.
Sài hồ sao vàng, đem nghiền thành bột mịn cùng với các vị còn lại.
Trộn đều bột thuốc với mật ong
Mỗi lần uống 20g x 2 lần/ngày trước bữa ăn nửa tiếng.
+ Chữa vàng da do mắc viêm gan:
Chuẩn bị củ nghệ đen, uất kim, quả tắc non, củ gấu. Tất cả dùng dạng khô liều lượng bằng nhau.
Nghiền các vị trên thành bột mịn và trộn đều với mật ong
Mỗi ngày uống 2g
+ Chữa bệnh đại tràng co thắt, đại tiện ra máu, táo bón:
Chuẩn bị 1kg bột nghệ đen, 500g cồ nốc mảnh, 40g đại hoàng, 200g mè đen
Trộn các vị trên với mật ong
Ngày uống 20g
+ Ngăn ngừa và làm mờ vết rạn da sau sinh:
Chuẩn bị củ nghệ đen và gừng tươi lượng bằng nhau
Giã nát 2 vị thuốc rồi đem ngâm rượu
Thoa hỗn hợp rượu gừng nghệ lên những vùng da dễ bị rạn như bụng, đùi, hông ngày 1 – 2 lần.
+ Chữa các chứng đau có nguyên nhân do lãnh khí xung tâm:
Chuẩn bị 60g nghệ đen, 30g mộc hương, giấm
Đem cả 2 tán thành bột
Mỗi lần uống 1,5g với giấm
+ Chữa co thắt tiểu trường:
Chuẩn bị: Bột nghệ đen, 3g hành
Uống chung với rượu lúc đói bụng
+ Chữa đau bụng co quắp ở trẻ nhỏ:
Chuẩn bị 15g củ nghệ đen, 3g a ngụy
Giã nát rồi đắp xung quanh bụng, để hỗn hợp khô
Kết hợp uống nước tử tô để đạt được hiệu quả tốt hơn.
+ Chữa đau sườn dưới:
Chuẩn bị 15g kim linh tử; 1,15g nghệ đen; 1,15g tam lăng; 1,15g nhũ hương; 1,15g mộc dược.
Sắc uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang.
+ Chữa thâm nám, tàn nhang, làm sáng da:
Chuẩn bị tinh bột nghệ đen, mật ong, sữa chua
Uống 1 thìa tinh bột nghệ đen với mật ong vào mỗi buổi sáng.
Kết hợp dùng mặt nạ nghệ đen và sữa chua không đường đắp lên da để cải thiện các sắc tố đen sạm. Mỗi tuần đắp mặt nạ 2 – 3 lần.
+ Chữa rậm lông mặt:
Chuẩn bị bột đậu xanh và bột nghệ đen
Trộn lẫn 2 thành phần trên theo tỷ lệ 1:1 và pha với một ít nước để làm mặt nạ
Đắp lên toàn bộ da mặt trong 20 phút
Thực hiện mỗi tuần 2 lần sẽ giúp ức chế sự phát triển của lông mặt.
4. Lưu ý khi dùng nghệ đen
Như bạn đã biết, nghệ đen có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khoẻ, nhưng không phải vì thế mà lạm dụng nó như thần dược. Một vài lưu ý khi sử dụng nghệ đen trị bệnh:
Mặc dù chất curcumin trong nghệ đen có công dụng kháng viêm, chống oxy hóa nhưng nếu lạm dụng quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn hấp thu dưỡng chất.
Những người bị chảy máu dạ dày, rong kinh hoặc đang mang thai tuyệt đối không tự ý sử dụng nghệ đen. Bởi nó khả năng phá huyết rất mạnh, chỉ có tác dụng phá ứ, khai huyết trong trường hợp ứ huyết, tích huyết, kinh bế, … chứ không thể trị rong kinh hay một số trường hợp xuất huyết khác.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu nghệ đen có tác dụng gì với sức khỏe con người. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và người thân. Cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !
Có thể bạn quan tâm:
>>> Nattokinase là gì và có công dụng ra sao?
Viết bình luận