Hoàng kỳ là thảo dược được dùng nhiều trong y học cổ truyền và thực phẩm chức năng. Hoàng kỳ có tác dụng gì với sức khỏe là câu hỏi của nhiều người. Hoàng kỳ đã được sử dụng từ lâu đời trong y học Trung Quốc để chữa các bệnh về suy giảm hệ miễn dịch. Hoàng kỳ còn được dùng để chữa bệnh cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng, đau cơ, thiếu máu, HIV/AIDS và có chức năng tăng cường cũng như điều chỉnh hệ thống miễn dịch. Hoàng kỳ cũng được dùng để trị hội chứng mệt mỏi mạn tính, bệnh thận, bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết xe hoàng kỳ có tác dụng gì với sức khỏe con người.
1. Tổng quan về hoàng kỳ
Hoàng Kỳ có tên khoa học là Astragalus membranaceus hay còn được dân gian ta gọi là Miên hoàng kỳ, Khẩu kỳ, Bắc kỳ và Tiễn kỳ. Đây là thảo dược thuộc họ nhà đậu, cánh bướm. Hiện nay, có hai loại hoàng kỳ phổ biến là hoàng kỳ Astragalus membranaceus và hoàng kỳ Mông cổ (Astragalus mongolicus Bunge). Tuy nhiên về hình dáng, kích thước và công dụng của hai loại này gần như là giống nhau.
+ Đặc điểm, dấu hiệu nhận biết cây hoàng kỳ:
Astragalus membranaceus được xem là vị thuốc quý dạng thân thảo, sống lâu năm. Qua quan sát cho thấy:
Cây thường mọc thẳng đứng với chiều cao từ 50 - 80 cm, phân thành nhiều cành nhỏ.
Lá cây thường có hình trứng dài, lông màu trắng và thường mọc so le khoảng 15 - 20 lá chét.
Hoa nở theo chu kỳ, có màu vàng nhạt thường nở rộ vào tháng 6 - 7 và thường cho quả vào tháng 8 - 9 hàng năm.
Quả hoàng kỳ dài khoảng 2,5cm, rộng 9mm hình đậu dẹt có lông ngắn. Khi tách vỏ bên trong sẽ chứa hạt hình thận, màu đen.
Rễ cây thường có đường kính khoảng 1,5 - 2cm, hình trụ, dễ dài, thẳng và thường hướng sâu xuống lòng đất. Rễ cây có màu nâu đỏ hoặc vàng nâu rất dai và khó bẻ.
Hiện nay, thảo dược này thường được trồng ở những vùng đất cát pha, chủ yếu là các tỉnh của Trung Quốc như: Tứ Xuyên, Hoa Bắc, Bửu Kê, Diên An, … Tại Việt Nam, cây cũng được nhân giống và trồng ở SapA, Đà Lạt nhưng số lượng không nhiều, khả năng sinh trưởng kém.
+ Thu hái - sơ chế:
Thu hái rễ ở cây từ 3 năm tuổi trở lên nhưng tốt nhất là cây có từ 6 – 7 năm tuổi. Thường thu hoạch vào mùa xuân hoặc mùa thu. Sau khi đào rễ về, đem rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con và 2 đầu, sau đó dùng sấy hoặc phơi khô.
Nên chọn thứ rễ nhiều thịt, to mập, ruột vàng và thịt dai. Rễ sau khi bào chế có hình trụ dài, đường kính từ 1.5 – 3.5cm, bên ngoài có màu nâu xám, vàng tro và có vân chạy dọc. Ruột có màu vàng, dai và ít xơ.
Hoàng kỳ được bào chế theo những cách sau đây:
Sinh kỳ (hoàng kỳ sống): Đem rễ ủ cho mềm, thái thành miếng mỏng 1 – 2mm, đem phơi khô hoặc sấy nhẹ.
Chích kỳ (hoàng kỳ tẩm mật sao): Hòa mật ong với nước sôi. Thái phiến, đem ủ trong nước mật, sau đó sao vàng cho đến khi cầm không thấy dính là được. Để dược liệu nguội, bảo quản dùng dần. Cứ 10kg hoàng kỳ thì dùng 2.5 – 3kg mật ong để tẩm.
+ Thành phần chính của thảo dược:
Hoàng kỳ là loài thực vật quý, có vị ngọt, tính ấm rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng tiêu viêm, sinh cơ, ích vệ và lợi thủy, … được nhiều các chuyên gia, bác sĩ khuyên dùng.
Qua một số nghiên cứu khoa học đưa ra, thành phần chính của cây thuốc bao gồm:
Astragalus membranaceus chứa rất nhiều khoáng chất, các loại axit amin, protid khoảng 6,16 -9,9%.
Theo Viện nghiên cứu y học Bắc kinh cho biết, đây là dược liệu chứa nhiều Cholin, Betain, Sacarosa, cholin, betatain, axit folic, vitamin P, amylase.
Là một trong những thảo dược chứa nhiều tinh bột, chất nhầy, gôm, hơi có phản ứng Alcaloid rất tốt cho sức khỏe con người.
Trong hoàng kỳ chứa nhiều Dihyrox, Methoxyisoflavone, Glucoronic Acid, b-Sitosterol (Chinese Herbal Medicine).
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu gần đây phát hiện ra hoàng kỳ còn chứa Dimethoxyisoflavane, Choline, Betaine, Kumatakenin, Sucrose, Soyasaponin I, Calycosin, Linoleic acid, Linolenic acid, Coriolic acid, beta-Sitosterol, Protid, Vitamin P, Acid folic, Kumatakenin, …
Với mỗi thành phần hóa học trong thảo dược sẽ mang lại những tác dụng riêng biệt cho sức khỏe. Theo đó, để sử dụng hoàng kỳ hiệu quả nhất người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ để được chỉ định liều lượng phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
2. Hoàng kỳ có tác dụng gì?
+ Hoàng kỳ trong điều trị bệnh thận mạn:
Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh rằng, hoàng kỳ có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, làm chậm sự lão hóa của tế bào và có tác dụng ngăn ngừa oxy hóa. Qua nhiều nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm cho thấy hoàng kỳ có các tác dụng sau trong điều trị bệnh thận mạn:
+ Giảm protein niệu (đạm niệu):
Protein niệu không chỉ được coi là dấu hiệu quan trọng tổn thương thận, mà cũng là một yếu tố làm cho bệnh lý thận nặng lên. Ảnh hưởng của hoàng kỳ trong việc giảm mức độ protein niệu có thể có lợi ích trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mạn.
Sử dụng hoàng kỳ (40g/ngày) hoặc kết hợp với đương quy trong 12 tuần, có tác dụng làm giảm đạm niệu, tăng độ lọc cầu thận, làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh.
+ Giảm lipid máu:
Hoàng kỳ có thể cải thiện rối loạn chuyển hóa lipid do tác động lên thụ thể tại gan.
+ Chống viêm và điều hòa miễn dịch tại thận:
Hoàng kỳ ức chế các cytokine gây viêm và có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ trong các tế bào biểu mô.
+ Tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương thận:
Nghiên cứu cho thấy dùng hoàng kỳ (40g/ngày) giúp cải thiện chức năng thận. Hoàng kỳ có thể duy trì mức độ ổn định của eGFR và trì hoãn việc bắt đầu điều trị thay thế thận ở những bệnh nhân CKD giai đoạn 4 tiến triển.
+ Tác dụng lợi tiểu:
Hoàng kỳ cải thiện cân bằng nước và natri, làm tăng lượng nước tiểu.
+ Kiểm soát huyết áp:
Ở liều thấp hoàng kỳ có tác dụng tăng huyết áp nhẹ. Với liều lớn hơn 30g/ngày hoàng kỳ làm hạ huyết áp ổn định.
+ Phục hồi tổn thương tái tưới máu do thiếu máu cục bộ:
Hỗn hợp của hoàng kỳ và đương quy (30g/ngày/lần/3 tháng) đã được chứng minh bảo vệ thận chống lại tổn thương thiếu máu cục bộ và tăng phục hồi chức năng và mô học sau khi thận tổn thương do thiếu máu cục bộ.
+ Tác động lên quá trình xơ hóa thận:
Hoàng kỳ và đương quy tác động trên biểu hiện TGF-1 - một chất điều chỉnh quan trọng ảnh hưởng đến sự tiến triển của xơ thận.
Hoàng kỳ và hỗn hợp của hoàng kỳ với các loại thuốc khác như đương quy và xuyên khung có thể có vai trò có lợi trong việc làm chậm sự tiến triển của CKD. hạn chế kích hoạt viêm, điều hòa miễn dịch nội tại thận, giảm đạm niệu, và tăng albumin huyết và giảm lipid máu, tăng độ lọc cầu thận, lợi tiểu, hạ áp...
3. Bài thuốc từ hoàng kỳ
3.1 Các bài thuốc điều trị suy nhược cơ thể, sốt, tim đập nhanh, kén ăn
Theo những ghi chép đông y dân gian lưu truyền và thực nghiệm của nền y học hiện đại, tác dụng nổi bật nhất của hoàng kỳ là hỗ trợ chữa trị tình trạng suy nhược cơ thể, sốt cao, tim đập nhanh, kén ăn thâm niên.
Dưới đây là một số bài thuốc cụ thể bạn có thể tham khảo ứng dụng:
+ Bài thuốc 1:
Dược liệu: Hoàng kỳ đã tẩm mật ong sao khô, cam thảo nửa sống, nửa đã sao.
Điều chế: Hoàng kỳ 6 phần, cam thảo 4 phần trộn chung với nhau tán thành bột mịn bảo quản trong hũ hoặc hộp để sử dụng dần.
Cách dùng: Lấy khoảng 4-8g bột thuốc sắc với nước cho người bệnh uống.
Liều dùng: Uống thuốc 3 lần mỗi ngày, sáng, trưa, tối.
+ Bài thuốc 2:
Dược liệu: 24g hoàng kỳ, 8g bạch truật, 8g phòng phong
Điều chế: Trộn các loại dược liệu chung với nhau rồi tán thành bột mịn, bảo quản trong lọ thủy tinh để sử dụng dần.
Liều dùng: Hòa tan khoảng 6 đến 8g hỗn hợp bột thuốc với nước lọc hoặc rượu gạo độ nhẹ cho người bệnh uống 2 lần trên ngày.
+ Bài thuốc 3:
Dược liệu: 6g hoàng kỳ tẩm mật ong sao khô, 6g đại táo, 5g thược dược, 4g sinh khương, 2g cam thảo, 2g quế chi
Điều chế: Cho các loại dược liệu trên trộn đều cho vào ấm sắc lấy nước.
Liều dùng: Một ấm thuốc chia làm 3 phần, uống vào sáng, trưa, tối.
+ Bài thuốc 4:
Dược liệu: 16g hoàng kỳ, 12 bạch truật, 12 đương quy, 12g đảng sâm, 6g sài hồ, 6g trần bì, 4g trích thảo và 4g thăng ma.
Điều chế: Trộn đều các dược liệu trên cho vào ấm sắc thành thuốc cho bệnh nhân uống.
Liều dùng: Chia thuốc thành 3 phần cho bệnh nhân uống vào mỗi buổi sáng, trưa tối sau bữa ăn.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, nhanh khỏi bệnh nhất, người bệnh cần phải kiên trì sử dụng và cần được theo dõi của thầy thuốc.
3.2 Những bài thuốc chữa bệnh viêm mũi dị ứng, phòng ngừa cảm mạo
Trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng, phòng cảm mạo thì hoàng kỳ có một vai trò quan quan trọng đã được áp dụng vào những bài thuốc đông y rất nổi tiếng.
+ Bài thuốc 1:
Chuẩn bị dược liệu:15g hoàng kỳ, 10g đại táo
Điều chế: Đem các dược liệu đã chuẩn bị sơ chế rửa sạch sau đó cho vào ấm sắc thành nước
Liều dùng: Với bài thuốc này bạn có thể thay thế nước lọc và uống hằng ngày. Kiên trì sử dụng sẽ giúp bệnh tình thuyên giảm rất nhanh.
+ Bài thuốc 2:
Dược liệu: Cây hoàng kỳ nam sống
Điều chế: Giã mịn hoàng kỳ sống, điều chế thành những viên nhỏ khoảng 1g
Liều dùng: Mỗi ngày cho người bệnh uống từ 5-6 viên chia đều thành 3 bữa sáng, trưa tối.Uống liên tục trong 10 ngày sau đó ngưng uống 5 ngày, sau đó lại lại 10 ngày uống ở kỳ tiếp theo
Sử dụng theo chu kỳ trên đến khi khỏi bệnh thì dừng lại.
3.3 Bài thuốc tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận
Viêm thận là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Từ xa xưa trong những bài thuốc dân gian thì hoàng kỳ là một trong những vị thuốc không thể thiếu trong bài thuốc điều trị viêm thận.
Chuẩn bị dược liệu: 12g hoàng kỳ, 12g gừng tươi, 12g phong kỷ, 8g bạch truật, 3g cam thảo, 3g đại táo
Điều chế: Rửa sạch các loại nguyên liệu rồi cho vào ấm sắc lấy nước uống.
Liều dùng: Mỗi ấm thuốc chia thành 3 phần chia ra uống trong ngày.
Kiên trì sử dụng mỗi ngày chỉ trong thời gian ngắn bệnh viêm thận sẽ có chuyển biến tốt.
3.4 Bài thuốc điều trị chứng phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt gây ra tình trạng đau rát khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Với bài thuốc có vị hoàng kỳ kết với với những dược liệu khác có thể nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng, điều trị bệnh khỏi dứt.
Dược liệu: 100g hoàng kỳ sống, 30g hoạt thạch, 3g hổ phách
Điều chế: Rửa sạch hoàng kỳ và hoạt thạch cho vào ấm sắc thành nước thuốc. Sắc ấm thuốc thành 2 lần. Sau đó trộn nước của lần 1 và lần 2 bỏ bã cho bột hổ phách vào cho người bệnh uống.
Liều lượng: Chia thuốc sắc thành 3 phần cho bệnh nhân uống 3 lần trong ngày sáng, trưa tối trước bữa ăn khi bụng đang đói.
3.5 Bài thuốc chữa sa trực tràng từ cây thuốc
Để chữa bệnh sa trực tràng cần kết hợp hoàng kỳ với những loại dược liệu khác để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chuẩn bị dược liệu: 30g hoàng kỳ sống, 15g đan sâm, 10g sơn tra nhục, 3g phòng phong, 3g thang ma
Điều chế: Trộn các loại dược liệu đã chuẩn bị cho vào nồi sắc thành thuốc uống
Liều dùng: chia thuốc 3 phần sáng, trưa, tối cho người bệnh uống trước bữa ăn.
Để đạt hiệu quả bệnh nhân cần kiên trì với bài thuốc này trong khoảng thời gian nhất định tùy vào tình trạng bệnh và cơ địa của từng người.
3.6 Bài thuốc chữa các bệnh mạch vành
Các bệnh mạch vành bao gồm các chứng nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim vô cùng nguy hiểm. Dược liệu này được sử dụng để cải thiện và phòng ngừa các bệnh mạch vành hiệu quả.
Chuẩn bị dược liệu: 30g hoàng kỳ, 15g đan sâm, 15g xích thược, 12g đương quy, 10g xuyên khung
Điều chế: Trộn hỗn hợp dược liệu đã chuẩn bị ở trên cho vào ấm sắc thành thuốc để uống
Chia nước thuốc trong ấm thành 3 phần, uống đều trong ngày trước mỗi bữa ăn sáng, trưa, tối.
Chỉ cần kiên trì sử dụng bài thuốc này trong khoảng 1 đến 2 tháng các triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng đẩy lùi, chữa trị bệnh dứt điểm
3.7 Bài thuốc điều trị chứng huyết hư, bổ huyết, tăng huyết
Không chỉ trên cơ sở của đông y, hoàng kỳ còn được y học hiện đại chứng thực trong việc giúp điều trị chứng huyết hư, bổ huyết vô cùng hiệu quả.
Chuẩn bị dược liệu: 400g hoàng kỳ, 8g đương quy
Điều chế: Đem các dược liệu đã chuẩn bị rửa sạch với nước để ráo, sau đó cho vào ấm sắc cùng nước lọc.
Liều lượng: Chia lượng nước đã sắc trong ấm thành 3 phần bằng nhau, cho người bệnh uống trước 3 bữa ăn sáng, trưa và tối.
3.8 Bài thuốc điều trị viêm phế quản bằng dược liệu
Viêm phế quản là căn bệnh khá phổ biến với những triệu chứng như ho khan, ho liên tục, khó nuốt nước bọt, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của con người.
Chuẩn bị nguyên liệu: 24g hoàng kỳ, 10g tuyển phục hoa, 10g bách hộ, 6g đại long
Điều chế: Đem các dược liệu đã chuyển bị tán thành bột mịn. Cho mật ong vào vo thành viên thuốc. Chia lượng thuốc trên thành 10 phần uống trong 10 ngày liên tục.
Với tình trạng bệnh nặng hơn, sau 10 ngày bệnh vẫn chưa dứt bạn nên thực hiện bài thuốc tiếp 10 ngày nữa.
3.9 Bài thuốc chữa chứng tức ngực, hay quên, suy nhược cơ thể
Trong những bài thuốc đông y có hoàng kỳ thì bài thuốc chữa chứng tức ngực, hay quên, suy nhược cơ thể được lưu truyền khá rộng rãi và được người dân tin dùng rất nhiều.
Nguyên liệu: 30g hoàng kỳ, 300g thịt gà, 150g nấm hương, 20g hành, 15g gừng tươi, rượu đào, dầu vừng, các loại gia vị phụ mắm, muối, bột ngọt
Cách làm: Sơ chế qua các nguyên liệu, rửa sạch để ráo nước. Cho dầu vừng vào chảo nóng rồi cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào xào cho chín. Sau đó cho rượu đào cùng nước lọc vào hầm ở lửa nhỏ khoảng 30 đến 60 phút là có thể mang ra thưởng thức.
4. Những lưu ý khi sử dụng hoàng kỳ
Trong quá trình sử dụng vị thuốc Astragalus membranaceus người bệnh nên lưu ý những điều sau để lộ trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao, an toàn. Cụ thể như:
+ Không tự ý mua và sử dụng dược liệu khi cho có sự cho phép của các bác sĩ.
+ Tuyệt đối không sử dụng thảo dược cho trường hợp, hư chứng và âm hư hỏa vượng, tránh những biến chứng nguy hiểm.
+ Trường hợp phụ nữ đang mang thai và cho con bú không được sử dụng hoàng kỳ tùy tiện, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
+ Với trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng hoặc sốt rét người bệnh cũng không nên sử dụng hoàng kỳ.
+ Trong quá trình sử dụng thảo dược không nên sử dụng thâm các loại thuốc như cyclosporine, cortisone, tránh gây kích ứng cũng như giảm thiểu công dụng thuốc.
+ Để đảm bảo an toàn người bệnh chỉ nên sử dụng tối đa 10 – 15g hoàng kỳ/ngày.
+ Trong quá trình sử dụng vị thuốc hoàng kỳ nếu phát hiện những triệu chứng bất thường trên cơ thể như mẫn cảm, dị ứng, … cần ngưng sử dụng thuốc và đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
+ Để hỗ trợ quá trình điều trị, tăng tác dụng của Astragalus membranaceus trong các bài thuốc, người bệnh cần xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Đặc biệt là bổ sung các vitamin, chất xơ cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu hoàng kỳ có tác dụng gì với sức khỏe con người. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và người thân. Cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!
Có thể bạn quan tâm:
>>> Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người?
Viết bình luận