Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người?

Hoa hòe là loại cây phổ biến tại Việt Nam và được trồng rải rác khắp mọi miền tổ quốc. Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe là câu hỏi của nhiều người. Hoa hòe có vị đắng nhẹ và mùi thơm đặc trưng. Đây là loài thực vật chứa một loạt các hợp chất phytonutrient có hoạt tính cao và có lợi. Hoa chứa flavonoid, troxerutin và oxymatrine, đóng vai trò chống oxy hóa mạnh mẽ và đã nhiều lần được chứng minh là hỗ trợ sức khỏe hệ tuần hoàn. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết xem hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người.

Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người

1. Tổng quan về hoa hòe

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Cây hòe, Hoa hòe, Hòe

Tên gọi dân gian: Hòe nhĩ, Hòe nhụy, Hòe thực, Thái dụng, …

Tên khoa học: Sophora japonica Linn/ Styphnolobium japonicum

Họ: Đậu (danh pháp khoa học: Fabaceace)

+ Đặc điểm sinh thái:

Mô tả: Cây hoa hòe là một vị thuốc nam quý. Cây có chiều cao trung bình từ 7 – 10m, một số cây có thể cao đến 25m. Nhánh nhỏ, màu xanh lục, có lông hoặc không có lông bao phủ.

Lá có hình dáng lông chim, lẻ, mọc so le, chiều dài trung bình từ 15 – 25cm. Lá chét có từ 7 – 15 phiến, hình trứng hẹp, dài khoảng 3 – 6cm, mép nguyên không có răng cưa, mặt lá trên có lông và phấn trắng.

Hoa nở vào tháng 5 – 8 có kích thước nhỏ, màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn, dài từ 15 – 30cm. Quả mọc vào tháng 9 – 10 có hình đậu, thắt lại ở giữa các hạt. Mỗi quả có từ 1 – 6 hạt, có màu đen hình thận.

Phân bố: Cây mọc hoang ở khắp nước ta, tập trung nhiều nhất ở miền Bắc. Cây được trồng bằng phương pháp dâm cành hoặc trồng bằng hạt.

+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản:

Bộ phận dùng:

Nụ hoa (tên khoa học: Flos sophorae Japonicae)

Quả (tên khoa học: Fructus sopharae Japonicae)

Thu hái: Cây hoa hòe thường được thu hái vào mùa hè khi hoa sắp nở. Hoặc thu hái trước hoặc sau tiết Đông chí. Hoa phải hái khi nụ còn mới, hoa được dùng làm dược liệu phải là hoa đầu mùa sắp nở, nguyên vẹn, màu vàng, không vụn nát và chứa tạp chất.

Chế biến: Phơi hoặc sấy khô. Sau khi chế biến, hoa hòe có hình viên chùy ở búp và nhỏ dần ở cuống và đài búp. Nụ hoa có màu vàng, không bị cháy, ẩm mốc và không được lẫn lộn với cuống lá.

Bảo quản: Nơi khô, thoáng gió.

+ Thành phần hóa học:

Cây hoa hòe có chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm: Isorhamnetin, Dodecenoic acid, Tetradecadieoic acid, Betulin, Glucuronic acid, Arachidic acid, Sophoradiol, Rutin, Soporradiol, Beta-Sitosterol, …

+ Tính vị:

Vị đắng, tính hàn (theo ghi chép của Cảnh Nhạc Toàn Thư)

Vị đắng, tính mát (theo ghi chép của Trung Dược Đại Từ Điển)

Vị đắng, tính bình (theo ghi chép của Trung Dược học)

Vị đắng, tính bình, không độc (theo ghi chép của Nhật Hoa Tử Bản Thảo)

Vị đắng, tính mát (theo ghi chép của Bản Thảo Cương Mục)

+ Qui kinh:

Qui kinh Can, Đại trường (theo ghi chép của Trung Dược học và Trung Dược Đại Từ Điển)

Qui kinh Phế, Đại trường (theo ghi chép của Dược phẩm Hóa Nghĩa)

Qui kinh thủ Dương minh, Can (theo ghi chép của Bản Thảo Hối Ngôn và Bản Thảo Cương Mục)

Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người

2. Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người

+ Hoa hòe giúp an thần:

Theo các chuyên gia y tế, hoa hòe có tính mát, thanh nhiệt, lương huyết an thần và giúp tạo giấc ngủ ngon. Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng để cải thiện tình trạng mất ngủ, căng thẳng.

+ Hoa hòe hỗ trợ giảm cân hiệu quả:

Các nghiên cứu đã chỉ ra, hoa hòe có tác dụng giảm cân, kiểm soát sự trao đổi chất, giảm hiện tượng bám dính của chất béo trong mô gan, giảm lượng mỡ trong máu, tiêu hóa tốt, hạn chế hấp thu chất béo. Đây được coi là một phương pháp giảm cân an toàn được rất nhiều người áp dụng để điều chỉnh trọng lượng cho cơ thể.

+ Hoa hòe giúp hỗ trợ người cao huyết áp:

Huyết áp cao là một trong những yếu tố gây nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và phình động mạch, ngoài ra nó còn là nguyên nhân gây ra suy thận mãn và biến chứng ở mắt. Tăng áp lực máu động mạch sẽ dẫn tới giảm tuổi thọ trung bình.

Các bác sĩ thường dùng khái niệm huyết áp tâm thu (hoặc huyết áp tối đa) cho trị số huyết áp trên và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) cho trị số huyết áp dưới. Khi trị số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương >90mmHg được xem là tăng huyết áp. Đối với người có tuổi, dạng tăng huyết áp phổ biến là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao (<90mmHg).

Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể dùng hoa hòe để hỗ trợ điều trị, bởi trong hoa hòe có chứa hoạt chất rutin (hợp chất Glycosid thuộc nhóm Flavonoid Aglycon) đây là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch, làm bền thành mạch. Đồng thời, giúp giảm huyết áp, phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ.

+ Hoa hòe giúp trị bệnh viêm khớp:

Viêm khớp là tình trạng rối loạn tại khớp, chủ yếu ảnh hưởng tới các sụn, được đặc trưng bởi hiện tượng viêm một hoặc nhiều khớp. Viêm khớp thường có triệu chứng đau đi kèm. Đó là do khi bị viêm, các sụn bị vỡ và mòn đi, khiến cho các xương dưới sụn cọ sát vào nhau khi vận động, sẽ gây viêm, sưng, đau nhức và hạn chế khả năng cử động của khớp.

Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể sử dùng hoa hòe, bởi trong hoa hòe có chứa các hoạt chất làm giảm sưng và viêm với bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính. Tuy nhiên, việc sử dụng cần kiên trì, kết hợp với các phương pháp điều trị khác, không được coi hoa hòe là phương pháp điều trị chính để tránh tình trạng biến chứng của gây bệnh gây ra nếu không được điều trị triệt để.

+ Hoa hòe hỗ trợ chữa bệnh trĩ:

Bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh “lòi dom” theo tên dân gian. Đây là bệnh xảy ra do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở các mô xung quanh hậu môn. Bệnh thường có những triệu chứng như: ngứa, rát hậu môn, đại tiện ra máu, đau rát, nứt kẽ hậu môn. Các búi trĩ lồi ra ngoài hậu môn (trĩ sa ra ngoài), …

Bệnh trĩ gồm trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Tùy từng loại, cấp độ và mức độ biểu hiện phương pháp điều trị có thể sử dụng như: uống thuốc, các biện pháp luyện tập hay phải can thiệp phẫu thuật để điều trị triệt để. Trong hoa hòe, có chứa hoạt chất troxerutin có đặc tính vận mạch, oxymatrine giúp giảm sưng liên quan đến các mạch máu suy yếu, do đó giúp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.

Tuy nhiên việc chữa bệnh trĩ bằng hoa hòe thường có tác dụng chậm, do vậy quá trình sử dụng phải kiên trì kết hợp với các phương pháp điều trị khác, xây dựng một chế dinh dưỡng khoa học. Trường hợp bệnh trĩ ở giai đoạn nặng chỉ dùng hoa hòe để hỗ trợ không coi là phương pháp điều trị chính, cần can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để điều trị triệt để.

+ Hoa hòe hỗ trợ tốt cho bệnh tim mạch:

Bệnh tim mạch liên quan đến tình trạng sức khỏe của trái tim, bệnh ảnh hưởng đến hoạt động gây suy yếu tim. Bệnh phân ra thành nhiều nhóm: bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim và suy tim.

Bệnh với các triệu chứng như: Khó thở kéo dài, đặc biệt là khi nằm xuống càng khó thở nặng hơn. Đau tức ngực, cảm giác bị đè trong lồng ngực. Cơ thể tích nước, mặt, bàn chân căng phù. Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức kéo dài khi làm các công việc hằng ngày. Ho dai dẳng kéo dài, ho liên tục không có dấu hiệu thuyên giảm. Người bệnh chán ăn, buồn nôn, ăn không tiêu, …

Thường xuyên đi tiểu đêm. Nhịp tim và mạch đập nhanh, đập không đều. Lòng bàn tay đổ mồ hôi, thở nhanh, thở dốc, cảm giác chóng mặt, ngất xỉu, … Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể sử dụng hoa hòe bởi trong nụ hoa hòe có chứa hoạt chất Rutin, oxymatrine có chức năng bảo vệ, cải thiện chức năng của tim, giúp thúc đẩy các mạch máu khỏe mạnh và hệ thống tim mạch tổng thể.

Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người

+ Hoa hòe hỗ trợ chữa bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch:

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có tên tiếng anh là Immune Thrombocytopenic Purpura – ITP. Bình thường khi cơ thể bị vi trùng, virus, ký sinh trùng… tấn công, tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất kháng thể để chống lại. Tuy nhiên, khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể là vật lạ và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó.

Trong đa số trường hợp, người bệnh dễ bị chảy máu ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như: chấm xuất huyết ngoài da, bầm da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, rong kinh, tiểu máu, ói máu, xuất huyết não…. Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể dùng hoa hòe bởi trong hoa hòe có chứa hoạt chất rutin có tác dụng tăng cường độ bền các mao mạch giảm tính thẩm thấu các mao mạch, từ đó giúp cầm máu hiệu quả trong các trường hợp: chảy máu cam, đại tiện ra máu và trĩ ra máu.

3. Bài thuốc từ hoa hòe

Hoa hòe được ứng dụng để điều trị một số vấn đề về sức khỏe trong các bài thuốc sau:

+ Bài thuốc trị thổ thuyết không cầm: Dùng hoa hòe đốt tồn tính thêm vào một ít xạ hương và trộn đều. Dùng 12g uống với nước gạo nếp.

+ Bài thuốc trị lưỡi chảy máu: Dùng hoa hòe tán bột, đắp vào vùng lưỡi chảy máu.

+ Bài thuốc trị chảy máu không cầm: Dùng ô tặc cốt, hoa hòe ở hàm lượng bằng nhau nửa để sống nửa sao vàng. Sau đó đem tán bột mịn và thổi vào nơi chảy máu.

+ Bài thuốc trị tiểu ra máu: Dùng uất kim nướng và hoa hòe sao vàng, mỗi thứ 100g đem tán bột. Mỗi lần dùng 8g hòa với nước sắc đậu xị và uống hết trong ngày.

+ Bài thuốc trị đại tiện ra máu: Chỉ xác, hoa hòe có hàm lượng bằng nhau, đem sao tồn tính và tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g hòa với nước và uống đến khi triệu chứng dứt điểm.

+ Bài thuốc trị ho, khạc ra máu: Dùng hoa hòe sau vàng và tán bột mịn. Mỗi lần dùng 12g hòa tan với nước gạo nếp.

+ Bài thuốc trị tiêu ra máu do ngộ độc rượu: Dùng 40g hoa hòe nửa sống nửa sao vàng, 20g sơn chi tử đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g hòa tan với nước.

+ Bài thuốc trị rong kinh không cầm: Dùng hoa hòe sao tồn tính, mỗi lần dùng từ 8 – 12g hòa với rượu nóng và uống trước khi ăn.

+ Bài thuốc trị trĩ ra máu: Dùng hoa hòe sao và tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 12g uống với rượu, ngày dùng 3 lần.

+ Bài thuốc trị trúng phong mất tiếng: Dùng hoa hòe sao và nằm ngửa nhai nuốt sau canh ba.

+ Bài thuốc trị băng huyết không cầm: Dùng 120g hòe hoa và 80g hoàng cầm đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 20g bột với một chén rượu.

+ Bài thuốc trị trĩ ngoại: Dùng nước sắc hoa hòe rửa nhiều lần. Dùng cả nước sắc hoa hòe để làm teo trĩ ngoại.

+ Bài thuốc trị ung thư phát bối, miệng khô, tây chân tê, lưỡi đắng: Dùng một nắm hoa hòe sao cho thành màu nâu đen. Đem ngâm với một chén rượu con và uống khi rượu còn nóng. Tiếp tục uống cho đến khi nhọt nhúm mủ lại.

+ Bài thuốc trị bạch đới không dứt: Dùng hoa hòe sao, mẫu lệ nung, mỗi thứ bằng nhau đem đi tán bột mịn. Mỗi lần dùng 12g với rượu.

+ Bài thuốc trị hạ huyết và băng huyết: Dùng hoa hòe 40g, tông lư than 8g và một ít muối đem sắc với 3 chén nước, còn lại ½ chén.

+ Bài thuốc trị huyết áp cao: Dùng hy thiêm thảo, hòe hoa, mỗi thứ từ 20 – 40g sắc và uống trong ngày.

+ Bài thuốc trị thổ huyết: Dùng 12g hòe hoa, 4g bách thảo sương đem đi tán bột. Dùng chung với rễ cây cỏ tranh.

+ Bài thuốc trị trường phong hạ huyết: Dùng hoa hòe, chỉ xác, trắc bá, mỗi thứ 12g và 8g kinh giới đem đi tán bột và uống với nước.

Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người

4. Lưu ý khi sử dụng hoa hòe

Mặc dù trà hoa hòe vừa tốt cho sức khỏe lại có công dụng trị bệnh nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại trà thơm ngon này. Có một số lưu ý bạn cần ghi nhớ khi sử dụng hoa hòe để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

+ Đối tượng không nên dùng hoa hòe:

Loại hoa này có tính hơi lạnh nên những người hay đau bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng, người bị thiếu máu không nên dùng. Nếu cần sử dụng trà hoa hòe thì phải do thầy thuốc chỉ định và có sự phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú đều không được tự ý sử dụng.

Không chỉ vậy, bởi vì hoa hòe có tác dụng rất tốt trong điều trị cao huyết áp, giúp hạ áp nhanh chóng nên sẽ rất có hại cho những người có cơ địa huyết áp thấp vì dễ gây choáng và chóng mặt.

+ Không nên lạm dụng hoa hòe quá mức:

Nụ hoa hòe hoàn toàn không có độc tính, tác dụng phụ hoặc nếu có cũng không đáng kể với phân lượng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, chính vì nụ hoa hòe hoàn toàn lành tính và có tác dụng tốt nên nhiều người bệnh có tâm lý lạm dụng quá mức dẫn đến gây hại cho cơ thể.

Ví dụ, hoa hòe có tác dụng chữa tiêu chảy, đi ngoài ra máu, tuy nhiên lại là thảo dược có tính hàn. Nếu bạn dùng quá liều lượng thì không những không chữa được bệnh mà còn khiến chứng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.

+ Tránh sử dụng hoa hòe kém chất lượng:

Bạn có thể sử dụng nụ hoa hòe kém chất lượng do mua nhầm nhà sản xuất, do quy trình chế biến không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh hay do nụ hoa hòe để lâu bị biến chất. Sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu khi dùng phải những sản phẩm này.

Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều mặt hàng hoa hòe kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, bạn nên tìm mua hoa hòe ở những địa chỉ bán hàng uy tín, có giấy phép hoạt động và đã được nhiều người tin dùng.

+ Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc:

Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc Tây, thảo dược hay thực phẩm bạn sử dụng. Tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng dược liệu này. Vì vậy, bạn hãy thông báo cho thầy thuốc về những loại thuốc mình đang dùng, bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.

Bạn nên đến gặp thầy thuốc để được tư vấn về chế độ ăn uống hợp lý khi dùng hoa hòe thường xuyên. Trong thời gian được điều trị với hoa hòe, nếu bạn nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

Không chỉ đẹp mà hoa hòe còn là một dược liệu mang đến nhiều lợi ích trong y học cổ truyền Việt Nam. Do đó, bạn có thể vừa trồng hoa hòe làm cảnh và vừa thu hái hoa để làm trà uống giúp bảo vệ sức khỏe.

Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe con người. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và người thân. Cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !

Có thể bạn quan tâm:

>>> Hà thủ ô có tác dụng gì với sức khỏe con người

>>> Giảo cổ lam có tác dụng gì với sức khỏe con người?

>>> Gạo lứt có tác dụng gì với con người?

Viết bình luận