Bạch truật là thảo dược được dùng nhiều trong y học cổ truyền và thực phẩm chức năng. Vậy bạch truật có tác dụng gì với sức khỏe là câu hỏi của nhiều người. Bạch truật là vị thuốc đông y được dùng khá phổ biến trong nhiều bài thuốc cải thiện tiêu hóa cũng như làm đẹp. Vị thuốc Bạch truật được sử dụng từ hàng ngàn năm trước và đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu phát hiện thêm nhiều công dụng mới của bạch truật. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu xem bạch truật có tác dụng gì với sức khỏe con người.
Bạch truật có tác dụng gì với sức khỏe con người?
1. Tổng quan về bạch truật
Bạch truật là cây thảo, sống lâu năm, có thân rễ to, mọc dưới đất. Thân thẳng, cao 0,30 - 0,80m, đơn độc hoặc phân nhánh ở bộ phận trên, phần dưới thân hóa gỗ. Lá mọc cách, dai. Lá ở phần dưới của thân có cuống dài, phần trên có cuống ngắn, gốc lá rộng, bọc lấy thân. Phiến lá xẻ sâu thành 3 thùy, thùy giữa rất lớn, hình trứng tròn, hai đầu nhọn, hai thùy bên nhỏ hơn, hình trứng mũi mác, phần gốc không đối xứng.
Các lá ở gần ngọn thân có phiến nguyên, hình thuôn hoặc hình trứng mũi mác, mép có răng cưa. Đầu lớn, phần dưới có một lá bắc hình lá xẻ sâu, hình lông chim.
Tổng bao hình chuông, có lá bắc mỏng xếp thành 7 hàng. Lá bắc dưới nhỏ hình trứng tam giác, to dần ở phía trên. Hoa nhiều. Tràng hình ống, phần dưới màu trắng, phần trên màu đỏ tím, xẻ làm 5 thùy hình mũi mác, xoắn ra ngoài. 5 nhị hàn liền nhau (có nhị bị thoái hóa) chỉ nhị hình sợi dẹp.
Bầu thôn mặt ngoài có lông nhung, màu nâu nhạt, đoạn trên có lông hình lông chim. Vòi hình chỉ màu tím nhạt đầu nhị xẻ thành 2 thùy nông hình đầu, mặt ngoài có lông ngắn. Quả bế, thuôn, dẹp, màu xám.
Phân bố: Bạch truật nguyên sản ở Trung quốc, chủ yếu trồng ở huyện Thừa, Đông dương. Ư thế (Xương hóa), Tiên cư (Triết giang), Dư huyện, Ninh quốc (An huy), ngoài ra ở Thông thành. Lợi xuyên (Hồ bắc), Bình giang (Hồ nam), Tu thủy, Đông cố (Giang tây), tỉnh Phúc kiến, Tứ xuyên đều có trồng. Bạch truật hiện đã di thực truyền vào Việt Nam.
Phần dùng làm thuốc:
- Dùng thân rễ cứng chắc, có dầu thơm nhẹ, ruột màu trắng ngà, củ rắn chắc có nhiều dầu là tốt.
- Thân rễ phơi khô Bạch truật hình dài khắp nơi có dạng khối lồi chồng chất hoặc rễ con dạng chuỗi liền cong queo không đều, dài khoảng 3-9cm, thô khoảng 1,5-7cm đến hơn 3cm.
Bên ngoài màu nâu đất hoặc xám nâu, phần trên có góc tàn của thân, phần dưới phình lớn nhiều vết nhăn dọc nối dài, và vân rãnh chất cứng giòn, mặt cắt ngang màu vàng trắng hoặc nâu nhạt không bằng phẳng thường có những lõ nhỏ rỗng có mùi thơm mạnh. Loại củ cứng chắc, có dầu thơm nhẹ, giữa trắng ngà là tốt.
Còn thứ gọi là Ư truật, Cống truật là thứ truật tốt hơn. Không nên nhằm lẫn với nam Bạch truật (Gynura sinensis).
Thu hái, sơ chế: Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 (tiết Sương giáng đến Lập đông) là thời vụ thu hoạch. Thu hoạch quá sớm, cây chưa gìa, củ còn non, tỷ lệ khô thấp, hoa nhiều. Thu hoạch quá nhiều thì chồi mới mọc lên, tiêu hao mất nhiều dinh dưỡng của củ. Khi thấy thân cây từ màu xanh chuyển thành màu vàng và nâu lá ở phần ngọn cây trở nên cứng, dễ bẻ gãy là đúng lúc thu hoạch.
Lúc thu hoạch, chọn ngày nắng ráo, đất khô, nhổ từng cây nhẹ nhàng. Sau khi nhổ, lấy dao cất bỏ thân cây đem củ về chế biến. Rửa sạch phơi khô cắt bỏ rễ con gọi là “Hồng truật” hay “Bạch truật”. Nếu để nguyên hoặc xắt mỏng phơi khô thì gọi là “Sinh sái truật” hay “Đông truật”.
Thành Phần Hóa Học:
- Trong Bạch truật có:
+ Humulene, b-Elemol, a-Curcumene, Atractylone. 3b Acetoxyatractylone, Selian 4(14), 7 (11)-Diene-8-One, Eudesmo, Palmitic acid. (Trần Kiến Dân – Thực vật Học Báo 1991, 33 (2): 164).
+ Hinesol, b- Selinene (Phó Thuấn Mạc – Thực vật Phân Loại Học Báo 1981, 19 (2): 195).
+ 8b-Ethoxyatractylenolide II, 14-Acetyl-12-Senecioy-12E. 8Z, 10E-Atractylentriol, 14-Acetyl-12-Senecioyl-2E, 8E, 10E-Atractylentriol, 12-Senecioyl-2E-8Z, 10E-Atractylentriol, 12- Senecioyl-2E-8E-10E-Atractylentriol. (Gia Hiệp Thiên Dân – Dược Học Tạp Chí (Nhật Bản) 1943, 63 (6): 252)
- Trong rễ củ Bạch truật có 1,4% tinh dầu. Thành phần tinh dầu gồm: Atractylon (C16H180), Atractylola (CH160) Atractylenolid I, II, III, Eudesmol và Vitamin A. (Trung Dược Học).
2. Bạch truật có tác dụng gì?
2.1. Trong y học cổ truyền bạch truật có tác dụng:
+ Bổ tỳ, táo thấp
+ Lợi tiểu tiện, sinh tân dịch
+ Chữa tiêu chảy
+ Tiêu thủy thũng
+ An thai
+ Chữa chứng tê bì
+ Chữa các chứng liên quan đến mồ hôi
Gần đây nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng mình những công dụng tuyệt vời của bạch truật.
Một số nghiên cứu phát hiện:
Thuốc được dùng cho các trường hợp mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy, hay ra mồ hôi trộm ở người suy nhược. Bạch truật đôi khi được dùng trong thời kỳ mang thai cùng với các loại thảo mộc khác để giảm bớt chứng ốm nghén.
Chiết xuất thô và các hợp chất tinh khiết của bạch truật được sử dụng để điều trị suy giảm chức năng đường tiêu hóa, ung thư, viêm khớp, loãng xương, suy nhược lách, chuyển động bất thường của thai nhi, bệnh Alzheimer, và béo phì.
Các chất chiết xuất này có các tác dụng dược lý khác nhau, bao gồm hoạt động chống khối u, hoạt động chống viêm, hoạt động chống lão hóa, hoạt động chống oxy hóa, hoạt động chống loãng xương, hoạt động bảo vệ thần kinh và hoạt động điều hòa miễn dịch, cũng như cải thiện chức năng tiêu hóa và điều hòa hormone tuyến sinh dục.
2.2. Cải thiện chức năng tiêu hóa
Các nghiên cứu tái khẳng định: Bạch truật đã được sử dụng để điều trị các khiếm khuyết chức năng trong hệ tiêu hóa như chán ăn, chướng bụng và tiêu chảy.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, bạch truật kiện tỳ (tăng cường chức năng cho lách) bằng cách giải quyết tình trạng lưu giữ bất thường thức ăn trong đường tiêu hóa.
Các hoạt chất trong dịch chiết bạch truật tăng cường biệt hóa bạch cầu đơn nhân do thioglycollate trong phúc mạc và ức chế nồng độ TNF- α và IL-6 do LPS gây ra trong huyết thanh do vậy có tác dụng chống viêm đường tiêu hóa rõ rệt.
2.3. Tác dụng chống viêm, kháng virus, chống lại khối u
Bạch truật đã được sử dụng từ lâu như một loại thuốc kiện tỳ, trừ thấp và long đờm trong các bài thuốc y học cổ truyền. Các nghiên cứu cho thấy Atractylone là thành phần chính của bạch truật có dược lực học thể hiện hoạt động:
+ Chống ung thư hiệu quả hơn trong tế bào HepG2, MCG803 và HCT-116
+ Tác dụng kháng vi-rút đơn giản đối với vi-rút H3N2
+ Hoạt động chống viêm bằng cách ức chế sản xuất nitric oxide (NO) do lipopolysaccharide (LPS) tạo ra trong tế bào ANA-1.
Kết quả nghiên cứu hoạt động chống khối u cho thấy bạch truật hoạt động tốt hơn trong các trường hợp ung thư dạ dày, ung thư ruột và ung thư gan.
2.4. Tác dụng an thai
Theo y học cổ truyền bạch truật có tác dụng an thai. Bài thuốc Lục vị cầm truật (Lục vị gia hoàng cầm, bạch truật) là bài thuốc đầu tay trong y học cổ truyền dùng để an thai nhất là trong các trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiệt. Các nghiên cứu kết luận thành phần dầu dễ bay hơi của bạch truật có chứa atractylone có tác dụng ức chế chuyển động tự phát của tử cung, làm giảm lực co bóp của tử cung từ đó ức chế chuyển dạ sớm, hạn chế sinh non.
Ngoài ra bạch truật còn chứa inulin - một hoạt chất mới dùng trong điều trị chứng táo bón nhất. Táo bón là vấn đề thường gặp ở phụ nữ và cũng là nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến sinh non ở những tháng cuối thai kỳ.
2.5. Tác dụng an thần
Y học cổ truyền quan niệm một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là bí quyết để có giấc ngủ chất lượng. Các nghiên cứu về tác dụng an thần của bạch truật, kết quả đăng trên tạp chí quốc tế về sinh học thần kinh. Các nhà khoa học phát hiện thành phần hóa học chính Bạch truật atractylenolide II và III có khả năng điều biến tích cực đối với dòng clorua do GABA gây ra. Kết quả này cho thấy Bạch truật có thể là một loại thảo mộc hiệu quả để sử dụng lâm sàng như một loại thuốc an thần và thôi miên.
2.6. Bạch truật trị nám, bạch truật làm trắng da
Trên thị trường chăm sóc da hiện nay, có hai loại chính để làm trắng da từ góc độ đặc tính của các chất phụ gia: vitamin C hoặc các dẫn xuất của nó và arbutin; hoặc thành phần thảo dược thiên nhiên. Về cơ bản, cơ chế hoạt động của các chất phụ gia này là ức chế hoạt động của tyrosinase và / hoặc sự phát triển của tế bào hắc tố để đạt được hiệu quả làm trắng da. Thống kê về các thành phần thảo dược có trong các sản phẩm làm trắng da cho thấy có hơn 20 loại được sử dụng thường xuyên nhất trong đó có Bạch truật.
Trong phần lớn các công thức làm trắng da thì bạch truật đóng vai trò là “vua”, tức là đóng vai trò quan trọng nhất trong công thức và chịu trách nhiệm điều trị làn da xỉn màu hoặc các mảng tăng sắc tố.
Trong một nghiên cứu về các loại thảo dược Châu Á có tác dụng làm trắng da của Viện dược liệu Trung Quốc có trích dẫn thông tin từ cuốn sách Lý thuyết về bản chất y học, ghi lại rằng phần thân rễ của cây Bạch truật có thể cải thiện làn da sẫm màu.
3. Các bài thuốc từ bạch truật chữa bệnh
+ Bài thuốc chữa ra mồ hôi trộm: Bạch truật, Phòng phong mỗi thứ 12g, kết hợp 24g Mẫu lệ sắc uống hoặc tán bột rồi mỗi lần uống 12g chiêu với nước. Nếu bạn hay hồi hộp, lo âu, ra mồ hôi nhiều, các bạn có thể sắc uống 12g Bạch truật, 12g Hoàng kỳ và 20g phù Tiểu mạch.
+ Tiên vị tiêu thực (khỏe dạ dày, dễ tiêu hóa): Trị tỳ, vị hư nhược, tiêu hóa không tốt, không muốn ăn uống. Dùng Thang chỉ truật: bạch truật 12g, chỉ thực 6g. Sắc uống hoặc tán bột làm viên hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 – 3 lần, chiêu với nước cơm.
+ Tác dụng cầm tiêu chảy: Bột Sâm truật: đảng sâm, bạch truật, phục linh, ý dĩ, liên nhục, nhục đậu khấu, kha tử, trần bì mỗi vị 12g; sơn tra 8g, thần khúc 8g; mộc hương, sa nhân, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống hoặc tán thành bột. Trị các chứng tỳ hư thấp trệ, đại tiện lỏng, người mệt, ăn uống không tiêu, bụng đầy hơi.
+ Trị bứt dứt, bồn chồn ở ngực: Bạch truật tán bột, mỗi lần dùng một thìa cà phê (khoảng 4g), khuấy đều với 200ml nước ấm uống mỗi ngày.
+ Giúp An thai: Đương quy tán: bạch truật 32g; đương quy, hoàng cầm, bạch thược, xuyên khung mỗi vị 64g. Các vị sấy khô, tán bột. Ngày uống 8 - 12g, uống với rượu loãng. Trị trong trường hợp phụ nữ có thai mà huyết kém, thai nhiệt không yên.
+ Trị phong thấp, sởi, ngứa ngáy: Dùng bạch truật tán nhỏ, uống một lượng vừa đủ với 1 thìa nhỏ rượu, ngày dùng 2 lần. Duy trì đều đặn để cải thiện và ngăn chặn bệnh tái phát.
+ Trị cứng miệng: Trị cứng miệng, bất tỉnh do trúng gió: bạch truật 160g với rượu 3 thăng, sắc còn một thăng, uống hết để ra mồ hôi.
+ Chữa đau răng lâu ngày: Bạn lấy bạch truật sắc nước để ngậm, dùng đến khi hết đau. Ngoài ra cũng có thể ngậm nguyên cả miếng bạch truật sao khô để giảm đau.
+ Trị phụ nữ có thai bị phù: Bạch truật 12g, Đại phúc bì 12g, Địa cốt bì 12g, Ngũ gia bì 12g, Phục linh 20g, Sinh khương bì 12g (Toàn Sinh Bạch Truật Tán -Toàn Sinh Chỉ Mê).
+ Tác dụng làm trắng da: 1kg nghệ đen rửa sạch xay nhuyễn cùng với 1 chút rượu và 500g bạch truật rửa sạch. Cho cả 2 vào hũ thủy tinh cùng với 2 lít rượu gạo (30 độ) vào rồi khuấy đều. Sau 100 ngày, rót rượu ra chén, dùng bông gòn thấm và thoa lên mặt 2–3 lần vào buổi tối. Sau 1 tháng sẽ thấy kết quả.
+ Bài thuốc trị các bệnh về gan: Trị xơ gan cổ trướng: dùng 30-60g. Trị gan viêm mạn: dùng 15-30g. Trị ung thư gan: dùng 60-100g. Nếu do Tỳ hư, thấp, dùng loại Tiêu Bạch truật, Âm hư dùng loại sinh Bạch truật. Tùy bệnh chứng mà gia giảm, có hiệu quả nhất định.
+ Hỗ trợ điều trị hội chứng Ménière: Bạch Liên Chương dùng Bạch truật (sao miến), Trạch tả, Ý dĩ (sao), mỗi thứ 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần, giúp cải thiện tình trạng chóng mặt, ù tai do rối loạn tiền đình.
+ Ngâm với giấm trị nám da: 100g bạch truật sơ chế sạch cho vào hũ thủy tinh, ngâm với 250ml giấm táo mèo trong 2 tuần. Sau đó, dùng tăm bông chấm dung dịch này lên các vết thâm nám, tàn nhang 3–4 lần liên tiếp. Nên dùng vào buổi tối trong 1 tháng.
+ Trị sản hậu bị nôn mửa: Bạch truật 48g, gừng 60g, rượu và nước mỗi thứ hai thăng, sắc còn một thăng, chia làm 3 lần uống.
+ Trị viêm loét dạ dày: Sử dụng 10g Bạch truật, 6g Hắc táo nhân, 8g Cam thảo, 9g Trần bì, 9g Hậu phác. Tất cả các vị sắc uống trong ngày, mỗi ngày uống 3 lần trước khi ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.
4. Lưu ý khi sử dụng bạch truật
Để sử dụng bạch truật đạt hiệu quả và an toàn, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
Phụ nữ có thai và cho con bú chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Không sử dụng trong trường hợp mắc bệnh hen suyễn.
Trong quá trình sử dụng, dược liệu bạch truật rất dễ bị mốc nên cần kiểm tra thường xuyên và phơi sấy cẩn thận.
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng kết hợp với các loại thuốc điều trị khác.
Bạch truật là vị thuốc quý, tuy nhiên muốn phát huy được tối đa tác dụng của nó, người dùng cần tìm hiểu kỹ càng về loại thảo dược này.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu xem bạch truật có tác dụng gì với sức khỏe con người. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và người thân. Cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !
Có thể bạn quan tâm:
>>> Bạch tật lê có tác dùng gì với sức khỏe con người
Viết bình luận