Bệnh mạch vành là một trong những căn bệnh về tim mạch nguy hiểm và thường gặp hiện nay. Vậy tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành như thế nào là câu hỏi của nhiều người. Bệnh mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Nó là tình trạng lớp nội mạc của động mạch vành bị tổn thương, thường là do những mảng xơ vữa bám lên thành mạch máu và từ đó gây hẹp lòng mạch máu này. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết xem tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành như thế nào.
* Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành
Chụp động mạch vành chọn lọc có cản quang là phương pháp tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành.
+ Xác định những tắc nghẽn quan trọng:
Theo cách truyền thống, việc chẩn đoán bệnh động mạch vành dựa vào xét nghiệm tìm bằng chứng của những tắc nghẽn quan trọng trong các động mạch vành. Nói chung, bác sĩ tim mạch xem xét tắc nghẽn quan trọng là tắc nghẽn gây hẹp 70% lòng động mạch hoặc nhiều hơn.
Nghiệm pháp vận động (nghiệm pháp gắng sức) rất hữu ích trong việc chẩn đoán xem các động mạch vành có bị tắc nghẽn một phần hay không. Nghiệm pháp gắng sức có kiểm soát thường phát hiện các triệu chứng đau thắt ngực và những thay đổi đặc trưng trên điện tâm đồ (ECG) – những dấu hiệu này gợi ý những tắc nghẽn đang hiện diện.
Một nghiệm pháp gắng sức kết hợp với Thallium/Cardiolite (chụp xạ hình tưới máu cơ tim) hoặc siêu âm tim sẽ nâng cao khả năng tìm thấy những động mạch vành bị tắc nghẽn một phần. Thallium và Cardiolite là các chất phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch trong khi tập luyện. Những chất này được vận chuyển tới cơ tim nhờ động mạch vành, do đó cho phép ghi hình ảnh tim với một máy ảnh đặc biệt. Nếu một hoặc nhiều động mạch vành bị tắc một phần, những vùng trong được cung cấp máu do các động mạch ấy trong cơ tim sẽ hiện lên hình ảnh đốm đen. Siêu âm tim tạo ra hình ảnh trái tim đang đập bằng cách sử dụng sóng âm thanh. Khi tập thể dục, bất kỳ chuyển động bất thường ở cơ tim được nhìn thấy trên siêu âm tim đều là dấu hiệu của bệnh động mạch vành.
Nếu nghiệm pháp gắng sức chỉ ra một hoặc nhiều tắc nghẽn, bệnh nhân thường được giới thiệu phương pháp thông tim. Mục đích của thông tim (chụp mạch vành) là mô tả đầy đủ các vị trí và mức độ của tất cả các tắc nghẽn của động mạch vành, thường với mục đích tạo hình động mạch, đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Các xét nghiệm không xâm lấn đang được phát triển để một ngày nào đó có thể thay thế cho thông tim. Chúng bao gồm việc chụp CT đa lớp cắt và MRI tim. Thật không may, hiện nay không có phương pháp tiếp cận nào hoàn toàn thay thế được thông tim.
+ Xác định các mảng xơ vữa không gây ra tắc nghẽn quan trọng:
Trong những năm gần đây, các chuyên gia tim mạch đã nhận ra rằng nhồi máu cơ tim hay đau thắt ngực không ổn định là do vỡ các mảng xơ vữa trong động mạch vành. Trong nhiều trường hợp, các mảng xơ vữa cuối cùng bị vỡ sẽ bị coi là “không quan trọng” (tức là không gây tắc nghẽn đáng kể) trước khi bị vỡ. Đây là lý do tại sao chúng ta thường nghe có người bị nhồi máu cơ tim ngay sau khi được thông báo rằng họ không có bệnh động mạch vành nặng. (Chuyện này đã xảy ra với phóng viên truyền hình Tim Russert năm 2008).
Vì bất kỳ mảng xơ vữa nào cũng có thể vỡ, nên biết được liệu mảng xơ vữa có hiện diện hay không là hữu ích, ngay cả những mảng xơ vữa nhỏ. Những người có bệnh động mạch vành nên thực hiện quy trình để ổn định mảng xơ vữa và làm giảm nguy cơ của các mảng vỡ. (Biện pháp này thường bao gồm các yếu tố quản lý rủi ro, thay đổi lối sống, sử dụng thuốc được kê đơn statins và aspirin).
Quét canxi là một cách hữu ích để phát hiện sự hiện diện của bệnh động mạch vành mức độ nhẹ. Quét canxi là một dạng chụp CT có thể xác định số lượng canxi tích tụ trong động mạch vành. Vì canxi tích tụ thường xảy ra trong mảng xơ vữa nên đo lượng canxi trong động mạch cho biết sự hiện diện của bệnh động mạch vành (và mảng xơ vữa) cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh động mạch vành.
* Khi nào thì nên kiểm tra bệnh mạch vành
Mặc dù chụp mạch vành là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhưng không phải bất kỳ trường hợp nào cũng cần chụp mạch vành. Thông thường thì bác sĩ sẽ tầm soát bệnh mạch vành bằng cách đánh giá các yếu tố nguy cơ, từ đó sẽ có hướng xử trí tiếp theo như thay đổi lối sống và điều trị thuốc khi cần, làm xét nghiệm gắng sức hoặc tiến hành chụp mạch vành cho những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.
Yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành bao gồm:
- Những yếu tố làm tăng nguy cơ tim mạch: stress, uống nhiều rượu, chế độ ăn và dinh dưỡng không tốt.
- Những yếu tố nguy cơ chính không thể thay đổi được: tuổi cao trên 65 tuổi, phái tính (nam hoặc nữ đã mãn kinh có nguy cơ cao hơn), di truyền (gia đình có người mắc bệnh mạch vành sớm).
- Những yếu tố nguy cơ chính có thể thay đổi được: hút thuốc (làm tăng nguy cơ lên 2 - 4 lần so với người không hút thuốc), mắc bệnh tăng huyết áp, mắc bệnh rồi loạn chuyển hóa mỡ máu, ít vận động thể lực, quá cân hoặc béo phì, mắc bệnh đái tháo đường.
Cách tốt nhất để đánh giá các yếu tố nguy cơ là làm những xét nghiệm kiểm tra. Thường thì khi kiểm tra, không phải ai cũng đạt được những trị số xét nghiệm lý tưởng. Tuy nhiên, không đạt được các trị số mong muốn không có nghĩa là đã mắc tình trạng bệnh tim mạch nghiêm trọng. Ngược lại, điều này như là hồi chuông báo động để người bệnh bắt đầu thay đổi lối sống theo hướng có lợi cho sức khỏe. Thay đổi lối sống, điều trị thuốc hoặc kết hợp cả hai biện pháp có thể giúp điều chỉnh được các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, ngoại trừ yếu tố di truyền, tuổi và giới.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành như thế nào. Bạn muốn gặp Chuyên gia tư vấn Y khoa, gọi: 0986.890.216 - Ths. Bs. Phan Đăng Bình. Bác sĩ sẽ giúp bạn có 1 lộ trình điều trị hợp lý hơn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình có sức khỏe, hạnh phúc !
Có thể bạn quan tâm:
>>> Bệnh mạch vành nên uống thuốc gì?
Viết bình luận