Câu kỷ tử là thảo dược được dùng nhiều trong y học cổ truyền và thực phẩm chức năng. Câu kỷ tử có tác dụng gì với sức khỏe là câu hỏi của nhiều người. Câu kỷ tử là một trong những loại quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt, bao gồm: Sắt; Kẽm; Chất xơ; Vitamin C; Vitamin A; Câu kỷ tử là quả chín phơi khô của cây khởi tử được thu hái khi đã chuyển sang màu đỏ da cam. Những năm gần đây, câu kỷ tử được ca ngợi là siêu thực phẩm bởi khả năng chống lại bệnh đái tháo đường và thậm chí cả ung thư. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết xem câu kỷ tử có tác dụng gì với sức khỏe con người?
Câu kỷ tử có tác dụng gì với sức khỏe con người?
1. Tổng quan về câu kỷ tử
Câu kỷ tử còn gọi Kỷ tử, Câu Khởi, Khởi tử, Địa Cốt tử, Khủ khởi
+ Đặc điểm Câu kỷ tử: Câu Kỷ Tử là một cây thước quý, cây cao 0.50m đến 1.5m. Cành nhỏ, thỉnh thoảng có gai ngắn mọc ở kẽ lá. Lá mọc so le, một số mọc vòng tại một điểm. Cuống lá ngắn 2 - 6mm, phiến lá hình mác. Đầu lá và phía cuống của lá đều hẹp, hơi nhọn, dài 2 - 6cm, rộng 0.6 - 2.5cm, mép lá nguyên. Hoa nhỏ, mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc có một số hoa tụ lại. Cánh hoa màu tím đỏ. Quả mộng, hình trứng dài 0.5 - 2cm, đường kính từ 4 - 6mm. Khi chín có màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ. Hạt nhiều, hình thận dẹt, dài 2 – 2.5mm. Ra hoa từ tháng 6 - 9, có quả từ tháng 7 - 10.
Phân bố: Có nhiều ở Trung Quốc, nước ta còn phải nhập nhiều. Có ở các tỉnh biên giới Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
+ Bộ phận dung làm thuốc: quả khô.
+ Mô tả dược liệu: Quả khô Câu kỷ tử hình bầu dục dài khoảng 0,5-1cm, đường kính khoảng hơn 0,2cm. Vỏ quả màu tím đỏ hoặc đỏ tươi. Mặt ngoài nhăn teo bên trong có nhiều hạt hình tạng thận màu vàng. Có một đầu có vết của cuống quả, không mùi. Vị ngọt hơi chua, sau khi nếm nước bọt có màu vàng hồng. Loại sản xuất ở Cam túc có quả tròn dài, hạt ít, vị ngọt. Đó là loại tốt nhất nên gọi là Cam kỷ tử hay Cam câu kỷ (Dược Tài Học).
+ Thu hái, sơ chế: Hái quả hàng năm vào tháng 8-9, phơi khô. Khi quả chín đỏ hái vào sáng sớm hoặc chiều mát, trải mỏng, phơi trong râm mát. Đến khi bắt đầu nhăn mới phơi chỗ nắng nhiều cho đến khi thật khô.
+ Bào chế: Lựa thứ quả đỏ tươi, tẩm rượu vừa đều để một hôm, gĩa dập dùng. Thường dùng sống, có khi tẩm rượu sấy khô. Hoặc tẩm mật rồi sắc lấy nước đặc. Sấy nhẹ cho khô, đem tán bột mịn.
+ Bảo quản: Đựng vào lọ kín để nơi khô ráo, nếu bị thâm đen đem xông diêm sinh hoặc phun rượu. Xóc lên sẽ trở lại màu đỏ đẹp
+ Thành phần hóa học: Thành phần chủ yếu có Betain, nhiều loại axit amin, polysaccharid. vitamin B1, B2, C, acid nicotinic, Ca, P, Fe... (Trung Dược Học). Trong Kỷ tử có chừng 0,09% chất Betain (C5H11O2N). Trong 100g quả có 3,96mg Caroten, 150mg Canxi, 6,7mg P. 3,4mg sắt, 3mg Vit C, 1, 7mg axit nicotic, 0,23mg Amon sunfat. Trong Khởi tử có Lysin, Cholin, Betain, 2,2% chất béo và 4,6% chất Protein. Acid cyanhydric và có thể có Atropin. Carotene, Thiameme, Riboflavin, Vitamin C, b-Sitosterol, Linoleic acid. (Chinese Herbal Medicine). Betain (Nishiyama R, C A 1965, 63 (4): 4660). Valine, Glutamine, Asparagine. (Nishiyama R, C A 1963, 59 (11): 13113b). Trong 100g Câu kỷ tử có Carotene 3,39mg, Thiamine 0,23g. Riboflavine 0,33mg. Nicotinic acid 1,7mg, Vitamin C 3mg.
2. Câu kỷ tử có tác dụng gì?
+ Tăng cường thị lực: Quả kỷ tử đặc biệt giàu zeaxanthin, một chất chống oxy hóa được biết đến với những lợi ích tuyệt vời cho đôi mắt. Ăn loại quả này được coi là một biện pháp điều trị tự nhiên cho bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi già. Zeaxanthin trong quả mọng cũng sẽ bảo vệ mắt khỏi tác động của tia cực tím, các gốc tự do và các dạng trầm cảm khác nhau.
+ Câu kỷ tử giúp giảm cân: Câu kỷ tử có lượng calo thấp và giàu chất dinh dưỡng, do vậy bạn hoàn toàn có thể bổ sung thêm loại quả này trong kế hoạch ăn kiêng, giảm cân. Ngoài ra, lượng đường trong kỷ tử khá thấp cùng lượng chất xơ dồi dào giúp người ăn vào vẫn cảm thấy no nhưng không cung cấp nhiều calo gây tăng cân.
Bạn có thể chế biến kỷ tử thành thức uống giảm cân với công thức như sau: 10g quả khô, 1 quả chanh, 1/2 trái kiwi, 300ml nước khoáng.
Cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần vắt chanh lấy nước, sau đó đưa tất cả nguyên liệu vào máy rồi xay nhuyễn cùng một chút đá lạnh.
+ Câu kỷ tử có tác dụng cải thiện khả năng tình dục: Từ xưa, kỷ tử đã được biết đến với khả năng hỗ trợ sức khỏe sinh sản ở nam giới. Một nghiên cứu đã cho thấy khả năng của quả kỷ tử trong việc: Cải thiện khả năng tình dục. Cải thiện nồng độ testosterone. Tăng khả năng di chuyển và số lượng của tinh trùng. Kéo dài thời gian cương cứng và phản ứng xuất tinh. Các bác sĩ cũng gợi ý quả kỷ tử có thể là một lựa chọn thay thế cho những phương thuốc điều trị rối loạn cương dương như Viagra.
+ Công dụng của kỷ tử: chống trầm cảm: Không những giàu vitamin B và C mà kỷ tử cũng chứa mangan và chất xơ. Tất cả các chất dinh dưỡng này sẽ làm tăng mức năng lượng tích cực của bạn. Loại quả mọng này đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để chống trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn cảm xúc khác.
+ Thải độc gan: Các loại quả mọng thường được sử dụng cùng với nhiều loại thảo mộc truyền thống khác như cam thảo và nấm linh chi trong việc làm sạch gan. Theo dân gian, kỷ tử có lợi cho cả gan và thận, hỗ trợ phục hồi sức mạnh của cơ thể kèm theo khả năng đào thải độc tố. Vào những ngày nóng bức, bạn hãy pha cho mình 1 bình trà kỷ tử để hạ hỏa và tăng cường sinh khí nhé.
Cách pha trà kỷ tử cùng long nhãn không hề phức tạp, nguyên liệu bạn cần chuẩn bị gồm: Trà; Mật ong; Táo tàu khô; Nước đun sôi; Quả kỷ tử khô.
Cách thực hiện như sau: Bỏ lá trà vào bình đựng, lược qua 1 lần với nước sôi (tráng trà). Cho tất cả nguyên liệu vào bình. Đậy kín và ngâm nguyên liệu trong 5–10 phút. Nếu muốn có vị ngọt tự nhiên, bạn có thể cho thêm chút mật ong. Rót ra ly và thưởng thức.
+ Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và việc ngừa cúm luôn đi đôi với nhau. Các vitamin trong quả câu kỷ tử có tác dụng tăng cường hiệu quả của vắc-xin cúm. Điều này rất hữu ích vì biện pháp tiêm phòng không phải lúc nào cũng bảo vệ bạn khỏi sự tấn công của virus.
+ Hỗ trợ giảm đau: Câu kỷ tử mang đặc tính chống viêm, có thể giúp bạn đẩy lùi một vài cơn đau, chẳng hạn như đau khớp. Dẫu vậy, vẫn còn khá ít thông tin chứng minh loại quả này sẽ đem lại tác dụng tương tự với tình trạng đau cơ bắp.
+ Câu kỷ tử làm đẹp da: Bạn lo lắng về làn da sậm màu cùng những nốt thâm hay vết nhăn đáng ghét? Vậy thì đừng buồn bã nữa bởi vị cứu tinh đã xuất hiện rồi đây. Bạn có biết kỷ tử có tác dụng tốt trong việc điều trị nám da bởi chúng rất giàu vitamin C, beta-carotene và axit amin. Những hợp chất này đều giúp cải thiện sự hiện diện của hắc sắc tố, từ đó giúp làn da trở nên sáng hồng, mịn màng.
Ngoài cách ăn trực tiếp, bạn có thể nghiền nhỏ một vài quả kỷ tử và trộn cùng sữa chua. Sau đó đắp hỗn hợp này lên mặt, để yên trong 15 – 20 phút rồi rửa sạch bằng nước lạnh. Thực hiện việc này mỗi ngày sẽ đem lại kết quả mỹ mãn nhất cho làn da.
Chưa dừng lại ở đó, nếu đang đối mặt với tình trạng mụn xuất hiện, ngoài việc dùng sản phẩm chăm sóc da từ bên ngoài, bạn nên uống thêm trà câu kỷ tử để hỗ trợ từ bên trong và giảm nguy cơ mụn tấn công đột ngột. Cách pha chế trà kỷ tử khá đơn giản cũng như dễ làm, chỉ cần những nguyên liệu sau: 15g quả kỷ tử; Nước đun sôi.
Thực hiện: Rửa sạch quả. Cho kỷ tử vào bình đựng. Rót nước sôi vào. Để yên trong vòng 15 – 20 phút. Rót ra ly và thưởng thức.
+ Giúp tóc nhanh dài: Khi bị rụng tóc, bạn hãy nghĩ đến vitamin A nhé. Đây là loại chất có khả năng cải thiện khả năng tăng cường lưu thông máu trên cơ thể và da đầu, từ đó kích thích tóc tăng trưởng kèm theo ngăn ngừa tình trạng gãy yếu. Như thông tin bài viết đã đề cập ở trên, quả kỷ tử rất giàu vitamin C. Chất dinh dưỡng này giúp hấp thu sắt, một yếu tố cần thiết cho sự phát triển của tóc.
+ Cải thiện sức khỏe của phổi: Các nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ câu kỷ tử trong 4 tuần giúp giảm viêm ở phổi và tăng hoạt động của bạch cầu nhằm chống lại các bệnh về phổi như cúm, hen suyễn…
+ Điều chỉnh huyết áp: Hợp chất polysacarid của quả kỷ tử được đánh giá cao ở đặc tính chống tăng huyết áp. Trên thực tế, đây là thành phần thường thấy trong các bài thuốc y học cổ truyền nhằm giúp bệnh nhân điều chỉnh huyết áp ổn định và ngăn ngừa các bệnh liên quan.
3. Tham khảo thêm về câu kỷ tử
+ Câu kỷ tử có tác dụng bổ tinh khí, bổ suy nhược làm cho người xinh tươi hồng hào, sáng rõ tai mắt, yên thần định chí sống lâu. (Bản Thảo Dược Tính).
+ Câu kỷ tử làm cứng mạnh gân xương, sống dai lâu gìa, trừ phòng phong bệnh bổ hư lao, ích tinh khí. (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Câu kỷ tử chữa được những bệnh ở tim, ọe khan đau tim, đau họng khát nước vì thận có bệnh cho nên hay làm nên chứng tiêu khát. (Thang Dịch Bản Thảo).
+ Câu kỷ tử có tính giúp cho thận, nhuận được phế, dùng nó ép lấy dầu thắp sáng đèn làm sáng mắt. (Bản Thảo Cương Mục).
+ Câu kỷ tử có vị cay vừa, khí ấm vừa và mát, tính có thể lên xuống được, vị nặng nên hay bổ âm nhưng tính của nó là âm trong có dương nên cổ được khí. Xét cho đúng thì nó chỉ xét cho dương một phần nào thôi, chứ không có tính cách kích động nên những người biết dùng thì dùng để tiếp thêm sức cho Thục địa là đúng.
Còn vấn đề công dụng của nó thì có thể làm cho thông minh tai mắt, yên ổn tâm thần tăng thêm tinh tủy, cứng mạnh gân xương, bù đắp vào những chỗ bất túc nhất là lao thương quá độ. Vì vậy khi mà thận khí đã đầy đủ thì chứng tiêu khát không còn nữa, còn những người bị chân âm suy tổn mà đau ở sau lưng dưới rốn, mê man dùng nó thì công hiệu. (Cảnh Nhạc Toàn Thư).
+ Câu kỷ tử có vị ngọt tính bình là vị thuốc chính của Thận, vì vậy mà bổ Thận ích tinh, khi Thận thủy đã mạnh thì gân xương rắn chắc vững vàng nên chứng tiêu khát lui cả, còn những chứng mắt mờ, tai điếc, lưng đau, chân yếu cũng theo đó mà biến mất. (Bản Thảo Thông Nguyên).
+ Đi xa ngàn dặm thì không nên dùng Câu kỷ tử vì nó bổ thận quá cho nên kích thích đến tình dục. Nó có khí bình không nóng, nó có tác dụng bổ thận chế hỏa, công hiệu như Thục địa. Nhưng chỉ tiếc khí nóng bứt rứt trong xương muốn trừ nó mà chưa từng dùng được (Danh Y Biệt Lục).
+ Câu kỷ tử vị ngọt mát tính nhuận, các sách ghi rằng có tác dụng khu phong, minh mục, mạnh gân xương, bổ tinh, tráng dương. Xét đúng ra thì Thận thủy suy thiếu uống vào có tính cam nhuận thì âm phải theo dương mà sinh trưởng. Khi Thận thủy đã đầy đủ thì tự nhiên phong sẽ bị tán ngay, vì thế nó có tác dụng làm sáng được tai mắt, cứng xương, mạnh gân. Đó lại càng chứng minh rằng Câu kỷ tử là một vị thuốc tư thủy, do đó mà các sách đều cho rằng nó có tác dụng chữa được tiêu khát.
Ngày nay thấy nó sắc đỏ mà tưởng lầm là thuốc bổ dương thì quá sai lầm. Tại sao không biết rằng những thứ đã gọi là khí hàn thì có bao giờ mà bổ dương được? Nếu cứ cho sắc đỏ đó là bổ dương thì Hồng hoa, Tử thảo thì sắc nó cũng đỏ mà có ai quả quyết là thuốc bổ dương đâu, có kẻ lại cho rằng tính nó hoạt huyết. Than ôi! đạo làm thầy thuốc mà không rành, chỉ hạn hẹp trong mấy cuốn sách, nghĩ quẩn quanh, cái gì còn hồ nghi phải gắng sức nghiên cứu cho tới đầu tới đuôi.
Nói chung quy chỉ vì xem sách không tinh, định câu không rõ nghĩa không thể nhận xét mà lý hội cho đến cùng, chỉ biết một đoạn nào đó thì biết làm sao được! Chẳng hạn những bệnh thuộc hư hàn mà dám dùng nó thì chuyện xảy ra chẳng những không thể bổ được phần dương mà hư lại càng hư thêm rồi sinh ra những chứng tiêu chảy không cầm được, có khi tới chết. Đó chính là sai một ly đi một dặm nó biến chuyển nhanh như thế, sao lại cho rằng dùng thuốc không cần cẩn thận lắm cũng được vậy mà? (Bản Thảo Cầu Chân).
+ Câu tử có vị ngọt đắng tính lạnh, nhập vào kinh Can và Thận, có tác dụng bổ âm tráng thủy, tưới nhuần được cho Can, thanh trừ được phong độc. Nhờ được tính đắng mát cho nên Tỳ dễ tiết, với những dạng người có bệnh Tỳ thổ khô táo, táo bón mới nên dùng nó; Với nhưng người có thủy hàn khô thấp, trường vị hoạt tiết, tiêu lỏng, tiêu sệt luôn thì không nên dùng nó vì có thể sinh ra tiêu chảy. Nếu ai gọi nó là thuốc trợ dương khí là sai hoàn toàn (Trường Sa Dược Giải).
+ Dùng với Thục địa là rất hay, thuốc làm sáng mắt,thính tai, ích tinh, cố tủy, kiện cốt, cường cân, chuyên bổ lao thương, chỉ tiêu khát, chân âm hư mà bụng rốn đau không khỏi, dùng nhiều rất hay (Cảnh Nhạc Toàn Thư’).
+ Câu kỷ tử chuyên bổ huyết, không thuốc nào hơn (Trùng Khánh Đường Tùy Bút).
+ Câu kỷ tử cảm khí xuân hàn của trời, lại được cả khí xung hòa của đất để sinh ra, vị nó ngọt, tính bình cho nên là vị thuốc chính có công năng chuyên bổ cho chân âm của Can và Thận. Họ Đào nói: Xa nhà ngàn dặm chớ ăn Câu kỷ tử, ý nói sức cường dương của nó đó thôi (Dược Phẩm Vậng Yếu).
+ Chu Nhụ Tử trông thấy bên chỗ khe suối có hai bụi rậm hoa xanh tươi trông rất đẹp, bỗng thấy một chó lớn đuổi một con chó nhỏ phóng vào bụi hoa gần ngay gốc cây Kỷ tử. Họ trông thấy vậy nhưng không biết nó biến đi đâu, liền cùng nhau đào ở gốc cây Kỷ tử thì thấy ở gốc có hai cái rễ lớn nhỏ như hai con chó nằm gọn ở đó, họ bèn đem về nấu ăn, tự nhiên thấy khỏe, khoan khoái trong người. Ông nói đó là cây Kỷ tử của tiên trồng có hơn cả ngàn năm nên mới hóa hình con chó (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Tục truyền ngày xưa cây này mùa xuân gọi là Thiên tinh tử, mùa hè gọi là Câu kỷ diệp, mùa thu gọi là Khước lão, mùa đông gọi là Địa cốt bì (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Câu kỷ tử còn cho lá và ngọn gọi là Câu kỷ hành diệp, có vị đắng, tính lạnh, không độc, thường nấu với thịt dê ăn bổ, có tác dụng trừ phong, sáng mắt. Có thể thay trà để uống, công dụng chỉ khát, hết bứt rứt, nóng nảy, bổ sinh dục, giải độc của miến. Nó rất ghét sữa tô. Lấy nước cốt của nó nhỏ vào mắt có tác dụng trừ mộng thịt ở mắt, màng đỏ ở mắt, choáng váng, hoa mắt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Cây còn cho mầm gọi là Câu kỷ miêu có vị đắng tính lạnh, có tác dụng trừ phiền, ích chí, khu phong, minh mục, tiêu nhiệt độc, tán sang thủy (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Dùng hạt Câu kỷ tử loại ở Cam châu nấu chín, gĩa nát, trộn với men gạo hoặc lấy hạt Câu kỷ cùng với Sinh địa hoàng chế thành rượu uống gọi là rượu Câu kỷ (Câu Kỷ Tửu). Dùng hạt Câu kỷ trộn gạo nấu cháo có tác dụng bổ tinh huyết, ích thận khí, thiếu huyết, thận suy dùng rất tốt gọi là Câu kỷ tử chúc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Loại Câu kỷ ở Cam châu, Trung Quốc có màu đỏ thịt dẻo, ít hột là thứ tốt nhất (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Câu kỷ, hột của nó gọi là Câu kỷ tử, rễ gọi là Địa cốt bì. Rễ có vị đắng hơn, tính hàn hơn, còn hột thì ngọt nhiều, đắng ít. Công dụng của hai thứ này có khác nhau. Câu kỷ tử là thuốc tư bổ Thận âm, Địa cốt bì là thuốc trị chứng nóng âm ỉ trong xương (Đông Dược Học Thiết Yếu).
4. Những lưu ý khi sử dụng dược liệu kỷ tử
Là một thảo dược rất tốt cho sức khỏe người dùng, tuy nhiên, khi áp dụng các bài thuốc, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Không nên dùng quá nhiều dược liệu trong một ngày khi bắt đầu sử dụng kỷ tử. Có thể tăng dần liều lượng sau đó.
Những đối tượng bị sốt cao không nên dùng thảo dược. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh.
Người dùng không được phép tự ý kết hợp kỷ tử với các dược liệu khác khi chưa có sự chỉ định của người có chuyên môn.
Đối tượng bị dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần có trong kỷ tử tuyệt đối không nên dùng dược liệu.
Đối tượng có cơ thể hàn, tỳ vị hư hoặc đang bị đi ngoài không nên dùng thảo dược.
Để quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần phải kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, điều độ.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu câu kỷ tử có tác dụng gì với sức khỏe con người. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và người thân. Cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !
Có thể ban quan tâm:
>>> Carotenoid là gì và tác dụng ra sao?
Viết bình luận