THỰC PHẨM CHỨC NĂNG: VAI TRÒ TRONG TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH TẬT
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Năm 431 trước Công nguyên, nghĩa là cách đây khoảng 2.500 năm, vị thầy thuốc người Hy Lạp Hippocrates, cha đẻ của nền y học đã nói“Hãy xem thực phẩm là thuốc của bạn và thuốc là thực phẩm của bạn” (Let food be thy medicine and medicine to be thy food). Điều này có nghĩa rằng thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
Hình 1. Các thực phẩm chứa nhiều thành phần thực phẩm chức năng
Năm 1991, Bộ Y tế Nhật Bản chấp nhận một số thực phẩm có khả năng cải thiện chức năng sinh lý như “Các thực phẩm sử dụng cho sức khỏe” (Howlett J, 2008 [9]). Ở Hoa Kỳ, từ năm 1993 đến 1998, 11 thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh tật đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (Food and Drug Administration: FDA) chấp thuận cho sử dụng. Ở Châu Âu, vào những năm 1990, 8 loại thực phẩm có liên quan đến sức khỏe được phép công bố.
Điều không may là, trong xã hội hiện đại, nhiều người đã không sử dụng một chế độ ăn uống một cách cân bằng, dẫn đến sự mất cân bằng chuyển hóa một cách nghiêm trọng. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường type 2, cao huyết áp, dị ứng, rối loạn tiêu hóa, ... Gần đây, việc phát hiện mới về “Bộ gen dinh dưỡng” (Nutrigenomics) đã dẫn đến khái niệm mới là “Cá thể hóa về dinh dưỡng” (Personalized nutrition) (Neeha VS and Kinth P, 2013 [12], Ferguson LR, 2013 [4]). Những hiểu biết mới về dinh dưỡng này có thể giúp mọi người lựa chọn thực phẩm tốt hơn và thực phẩm chức năng chính là phương tiện đề bù đắp những khiếm khuyết về dinh dưỡng mà các thực phẩm trong bữa ăn bình thường không đáp ứng đủ.
1. Thực phẩm chức năng là gì?
Cho đến nay, mặc dù các định nghĩa về thực phẩm chức năng còn có một vài điểm khác nhau nhưng đều có điểm chung về lợi ích là làm tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật:
- Theo Ủy ban Hành động phối hợp về Khoa học Thực phẩm chức năng Châu Âu [5]: các “thực phẩm” được xem là “thực phẩm chức năng” nếu chúng có một tác dụng có lợi trên một hoặc nhiều chức năng của cơ thể ngoài các tác dụng dinh dưỡng thông thường.
- Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ (American Dietetic Association: ADA), thực phẩm chức năng là các thực phẩm toàn phần và các thực phẩm được thêm vào, được làm giàu hoặc được tăng cường, có lợi ích thật sự rõ rệt về sức khỏe khi được tiêu thụ như là một phần của một chế độ ăn uống đa dạng trên cơ sở được điều chỉnh ở các mức độ có hiệu quả (Hasler CM, 2004 [8]).
- Theo Bộ Y tế Việt Nam (Thông tư Quy định về Quản lý Thực phẩm chức năng số 43/ 2014/ TT-BYT), thực phẩm chức năng gồm thực phẩm bổ sung (như các vitamin, khoáng chất, acid amin, acid béo, enzym, probiotics, prebiotics), các chất bổ sung có lợi cho sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dành cho các chế độ ăn đặc biệt, có lợi cho sức khỏe hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
2.Thành phần, nguồn gốc và vai trò của thực phẩm chức năng:
Thành phần thực phẩm chức năng có thể gồm các chất với các nguồn gốc và vai trò sau (dấu * chỉ các chất đã được FDA phê chuẩn):
2.1.Các carotenoid: Các carotenoid nhiều nhất trong thức ăn tự nhiên như:
- Beta-carotene: có trong cà rốt, bí ngô, khoai lang, dưa vàng, rau chân vịt (tương tự rau mồng tơi), cà chua, …, có vai trò trung hòa các gốc tự do, bảo vệ hệ thống chống oxy hóa của cơ thể, chống ung thư (Donaldson, 2004 [3]), bệnh tim mạch và thoái hóa võng mạc và điều hòa hệ thống miễn dịch.
- Lutein và Zeaxanthin: có trong cải xanh, bắp cải, rau chân vịt, ngô, trứng, cam, chanh, măng tây, cà rốt, súp lơ xanh,…, có vai trò duy trì sức khỏe của mắt.
- Lycopen: có trong cà chua, dưa hấu, bưởi, …, có vai trò duy trì sự khỏe mạnh của tuyến tiền liệt.
2.2.Các chất xơ thức ăn: các chất xơ (fiber) không bị tiêu hóa ở dạ dày và ruột non, khi đi qua đại tràng sẽ được lên men nhờ vi khuẩn, thành các acid béo chuỗi ngắn, giúp chống táo bón, giảm cân, ...
- Các xơ không hòa tan: như cellulose, các lignin và một số hemicellulose, có trong các hạt ngũ cốc toàn phần*, cám lúa mì, cám ngô, yến mạch, vỏ trái cây, hạt chia (chia seeds), …, có vai trò chống táo bón, làm giảm nguy cơ đái tháo đường, bệnh mạch vành và nguy cơ một số ung thư.
- Các xơ hòa tan*: như các inulin, pectin, gum, dextrin, mucilage, beta-glucan* và một số hemicellulose khác, có trong hạt mã đề, hạt đậu Hà Lan, táo, cam, chanh, quýt, hạt chia, …, có vai trò làm no lâu, ngon miệng, giảm cân, giảm nguy cơ bệnh mạch vành, đái tháo đường (Hannan JM, 2007 [7]) và một số ung thư.
2.3.Các acid béo: các acid béo cần thiết là các acid béo chuỗi dài không no, không được tổng hợp trong cơ thể nên phải được cung cấp từ thức ăn.
- Các acid béo không bão hòa 1 nối đôi*: có nhiều trong hạt dẻ, dầu olive, hạt cải dầu có vai trò làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
- Các acid béo không bão hóa nhiều nối đôi - các acid béo omega-3*: có ba loại acid béo omega-3 là alpha linolenic acid (ALA), decosahexaenoic acid (DHA) và eicosapentaenoic acid (EPA). ALA có trong quả óc chó, hạt lanh và hạt chia, DHA và EPA có nhiều trong cá hồi, cá thu và các loại cá biến, có vai trò làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành, giúp duy trì hoạt động của mắt và trí tuệ.
- Acid linoleic liên hợp (conjugated linoleic acid: CLA): có trong thịt bò, thịt cừu và pho mát, có vai trò duy trì sự khỏe mạnh của hệ thống miễn dịch.
2.4.Các flavonoid: flavonoid là một họ lớn của các polyphenolic được tổng hợp bởi thực vật, gồm:
- Các anthocyanin (cyanidin, pelargonidin, delphinidin, malvidin): có trong quả mâm xôi, anh đào, nho đỏ,.., có vai trò oxy hóa và duy trì sự khỏe mạnh của não.
- Các flavanol (catechins, epicatechins, epigallocatechin): có trong chè, ca cao, chocolate, táo, nho, ... , có vai trò duy trì sự khỏe mạnh của tim.
- Các procyanidin và proanthocyanidin: có trong quả việt quất, ca cao, táo, dâu tây, nho, rượu vang đỏ, hạt lạc, vỏ quế, chè, chocolate, ... , có vai trò duy trì sức khỏe của tim và đường tiết niệu.
- Các flavanon (hesperetin, naringenin): có trong cam, quýt, chanh, ..., có vai trò trung hòa các gốc tự do và tăng cường khả năng chống oxy hóa của tế bào .
- Các flavonol (Quercetin, kaempferol, isorhamnetin, myricetin): có trong hành, táo, chè, sup lơ xanh, hạt chia, ..., có vai trò trung hòa các gốc tự do và tăng khả năng chống oxy hóa của tế bào, chống ung thư (Gates MA, 2007 [6]).
2.5.Các isothiocyanate:
- Sulforaphane: có trong súp lơ, súp lơ xanh, cải xoăn, cải xanh, bắp cải, cây chùm ngây, ..., có trò khử độc và tăng khả năng chống oxy hóa của tế bào.
2.6. Các acid phenolic:
- Acid Caffeic và acid Ferulic: có trong táo, bưởi, cam, quýt, chanh, rau xanh, các loại hạt, cà phê,..., có vai trò cường khả năng chống oxy hóa, duy trì sức khỏe của tim và mắt.
2.7. Các stanol và sterol thực vật:
- Các stanol/ sterol tự do*: có trong ngô, đậu tương, cám, …, có vai trò làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
- Các stanol/ sterol este hóa*: có trong các thực phẩm và đồ uống được bổ sung các chất này, có vai trò làm giảm hấp thu và tăng đào thải cholesterol ở ruột, do đó làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
2.8. Các polyol:
- Các sugar alcohol*(polyalcohol), xylitol, sorbitol, manitol và lactitol: có trong kẹo gum và một số thực phẩm bổ sung khác, có vai trò làm giảm nguy cơ sâu răng.
2.9.Các prebiotic:
Prebiotic là các oligosaccharide như inulin, các fructo-oligosaccharide (FOS) và polydextrose, là các chất không thể tiêu hóa nhưng có khả năng kích thích chọn lọc sự phát triển một số loại vi khuẩn có lợi ở ruột, do đó cải thiện sự tiêu hóa. Prebiotic có trong một số loại hạt, hành, tỏi, tỏi tây, chuối, …, có vai trò duy trì hoạt động của đường tiêu hóa và tăng hấp thụ calci.
2.10.Các probiotic:
Probiotic là các vi khuẩn sống có lợi như nấm men (Yeast), Lactobacilli, Bifidobacteria, có trong sữa chua, các sản phẩm sữa và các sản phẩm lên rượu, bia, …, có vai trò duy trì hoạt động của hệ tiêu hóa và miễn dịch, bổ sung các dòng vi khuẩn có lợi.
2.11.Các phytoestrogen:
- Các isoflavone - Daizein, Genistein: có trong đậu tương, …, có vai trò duy trì sức khỏe của xương, hệ miễn dịch và chức năng não, tăng sức khỏe ở phụ nữ mãn kinh.
2.12.Protein đậu tương:
- Protein đậu tương (Soy protein*): có trong đậu tương, sữa, sữa chua, pho mát từ đậu tương và đậu phụ, có vai trò làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành và một số ung thư (Montgomery, 2003 [11]).
2.13.Các sulfide và thiol:
- Diallyl sulfide và allyl methyl trisulfide: có trong tỏi, tỏi tây, hành, hành tây, …, có vai trò tăng cường khử độc các chất có hại, tăng sức khỏe của tim, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa.
- Các dithiolthione: có trong rau họ cải, …, có vai trò tăng cường khử độc và hệ thống miễn dịch.
2.14.Các vitamin:
- Vitamin A: có trong phủ tạng, sữa, trứng, cà rốt, khoai lang, rau chân vịt, …, có vai trò duy trì chức năng của mắt, hệ thống miễn dịch và xương, cũng góp phần bảo vệ sự toàn vẹn của tế bào.
- Vitamin B1 (Thiamin): có trong đậu lăng, đậu Hà Lan, gạo trắng hoặc nâu, hạt dẻ cười, ngũ cốc, …, có vai trò duy trì chức năng thần kinh và điều hòa chuyển hóa.
- Vitamin B2 (Riboflavin): có trong thịt nạc, trứng, rau xanh và ngũ cốc, …, có vai trò thúc đẩy sự sinh trưởng của tế bào và điều hòa chuyển hóa.
- Vitamin B3 (Niacin): thịt gia cầm, cá, các loại hạt, trứng và ngũ cốc, …, có vai trò thúc đẩy sự sinh trưởng tế bào và điều hòa chuyển hóa.
- Vitamin B5 (Pantothenic acid): có trong khoai lang, phủ tạng, tôm hùm, đậu tương, đậu lăng và ngũ cốc, có vai trò của vitamin B5 điều hòa chuyển hóa và sinh tổng hợp một số hormone.
- Vitamin B6 (Pyridoxine): có trong các loại đậu, hạt, cá, thịt, ngũ cốc, …, có vai trò duy trì chức năng hệ thống miễn dịch và điều hòa chuyển hóa.
- Vitamin B8 (Biotin): có trong gan, cá hồi, các sản phẩm từ sữa, trứng, các loại sò, ngũ cốc, …, có vai trò điều hòa chuyển hóa và sinh tổng hợp một số hormone.
- Vitamin B9* (Folate hoặc folic acid): có trong các loại đậu, cam, quýt, chanh, rau xanh, bánh mì, ngũ cốc, mì, gạo, …, có vai trò làm giảm nguy cơ phụ nữ sinh ra trẻ dị tật não hoặc ống thần kinh và giúp duy trì chức năng của hệ thống miễn dịch.
- Vitamin B12 (Colabamin): có trong trứng, thịt, cá chép và ngũ cốc, có vai trò của duy trì chức năng thần kinh, giúp điều hòa chuyển hóa và sản sinh hồng cầu.
- Vitamin C (L-ascorbic acid): có trong ổi, hạt tiêu, quả kiwwi, cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây, …, có vai trò trung hòa các gốc tự do, duy trì chức năng của xương và hệ thống miễn dịch.
- Vitamin D*: có trong cá, sữa chua, ngũ cốc, sữa, ..., có vai trò làm giảm nguy cơ loãng xương, điều hòa chuyển hóa calci và phospho, duy trì chức năng miễn dịch và sự sinh trưởng của tế bào.
- Vitamin E (tocopherol và tocotrienol): có trong hạt hướng dương, hạnh nhân, quả óc chó, củ cải, ..., có vai trò trung hòa các gốc tự do, duy trì chức năng của tim và hệ thống miễn dịch.
2.15.Các chất muối khoáng thực phẩm (dietary minerals):
- Calci* (Calcium): calci có trong cá mòi, rau chân vịt, sữa chua, hạt chia,…, có vai trò làm giảm nguy cơ loãng xương.
- Magiê (Magnesium): có trong rau chân vịt, hạt bí ngô, bánh mì thô, ngũ cốc, hạt chia, cá ngộ, hạt hạnh nhân và các loại đậu, có vai trò duy trì chức năng cơ, xương, thần kinh và hệ thống miễn dịch.
- Kali* (Potassium): có trong khoai tây, bánh mì, các hạt ngũ cốc, cam, quýt, chanh, đậu, chuối và rau xanh. Kali khi kết hợp với một chế độ ăn nhạt có vai trò làm giảm nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ.
- Selen (Selenium): có trong cá, thịt đỏ, các hạt thô, tỏi, gan và trứng, có vai trò trung hòa các gốc tự do, duy trì sức khỏe của hệ thống miễn dịch và tuyến tiền liệt.
- Crôm (Chromium: Cr): có trong thịt, tôm, cua, trai, sò, cá, trứng, vỏ cám ngũ cốc, một số loại hạt, quả và rau, có vai trò ngăn ngừa bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường.
- Đồng (Copper: Cu): có trong các hải sản (hàu, mực, tôm), cải xoăn, nấm, một số loại hạt, đậu, trái cây và pho mát, …, có vai trò duy trì chức năng của hệ thống miễn dịch.
- Flo (Fluorine): có trong táo, quả bơ, chuối, dưa đỏ, anh đào, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây, …, flo là thành phần quan trọng đối với xương và răng, giúp ngăn ngừa sâu răng.
- Iod (Iodine): có trong khoai tây, sữa, rong biển, cá tuyết, tôm, mận, một số đậu, cá ngừ, trứng, sữa chua, chuối, dâu tây, ngô, pho mát, …, Iod cần cho sự sinh tổng hợp hormone tuyến giáp, sự thiếu hụt iod ở phụ nữ có thai có thể gây sẩy thai, thai chết lưu; ở trẻ em có thể gây đần độn, thiểu năng trí tuệ; ở người lớn có thể gây bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp và sức khỏe kém.
- Sắt (Iron): sắt có trong hạt bí ngô, gan gà, hải sản (hàu, trai, ngao), hạt điều, lạc, hạnh nhân, thịt bò, thịt cừu, đậu trắng, đậu lăng, ngũ cốc, rau xanh, chocolat, ca cao và đậu phụ. Sắt có vai trò trong sinh tổng hợp hemoglobin và một số enzyme. Sự thiếu hụt sắt có thể dẫn đến thiếu máu nặng, giảm nhận thức, tăng nguy cơ nhiễm độc chì.
- Kẽm (Zinc): kẽm có trong hải sản (hàu, cua, tôm), thịt bò, thịt cừu, sự thiếu hụt kẽm có liên quan đến rối loạn sinh lý và dừng sự sinh trưởng và phát triển. Việc bổ sung kẽm làm giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc (Clemons, 2004 [2]) và giúp đẩy lùi sự nhiễm HIV (Lai, 2001 [10]).
3. Thực phẩm chức năng bảo vệ cơ thể chống các gốc tự do:
3.1. Thực phẩm chức năng thúc đẩy sinh trưởng, phát triển và biệt hóa của bào thai và trẻ em:
Việc sử dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp và sớm có tác dụng tốt đến sự sinh trưởng và phát triển các cơ quan, chức năng thần kinh và chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
- Đối với thai phụ trong quá trình thai nghén và cho con bú: cần các acid béo không no omega-3 và omega-6 và các chất cung cấp năng lượng.
- Đối với sự phát triển xương của trẻ: cần calci, vitamin D và vitamin C.
- Đối với sự phát triển của ống thần kinh (neural tube): cần acid folic.
- Đối với sự sinh trưởng và kết cấu cơ thể: cần các yếu tố sinh trưởng, các acid amin cần thiết và các acid béo không no.
- Đối với chức năng miễn dịch: cần vitamin A, vitamin D, các vitamin chống oxy hóa, các acid béo không no, các nguyên tố vi lượng, arginine, các nucleotide, các nuleoside và các probiotics.
- Đối với sự phát triển tâm thần và nhận thức: cần các acid béo không no, sắt, kẽm và iod (Howlett J, 2008 [9]).
3.2. Thực phẩm chức năng tác dụng lên chuyển hóa chất:
Một số các bệnh mạn tính như béo phì, đái tháo đường type 2 và loãng xương có liên quan đến thành phần thực phẩm, mức độ hoạt động thể lực và sự mất cân bằng về chế độ ăn. Các thực phẩm chức năng có thể giúp cải thiện mức độ rối loạn chuyển hóa ở các bệnh trên có thể là:
- Để duy trì trọng lượng cơ thể như mong muốn: cần sử dụng các thực phẩm có tác dụng làm giảm năng lượng, thực phẩn thay thể chất béo và chất xơ carbohydrate có chỉ số đường thấp.
- Để kiểm soát mức độ glucose máu và độ nhạy của insulin: cần kiểm soát trọng lượng cơ thể và sử dụng các thực phẩm có xơ hòa tan có chỉ số đường thấp và hạn chế ăn các acid béo bão hòa.
- Kiểm soát chuyển hóa của các triglycerid: cần kiểm soát trọng lượng cơ thể và sử dụng các thực phẩm chứa các acid béo không no như omega-3, omega-6 và các acid béo không no chứa 1 nối đôi.
- Hoạt động thể lực phù hợp: cần bảo đảm chế độ ăn uống cân bằng nước và điện giải, các carbohydrate có chỉ số đường thấp, protein và các acid amin cần thiết.
- Điều hòa nội môi: cần sử dụng các dung dịch carbohydrate đẳng trương và điện giải [5].
3.3. Thực phẩm chức năng bảo vệ cơ thể chống các gốc tự do:
Sự phát triển và chức năng bình thường của bất kỳ cơ thể ái khí nào cũng có thể sinh ra các dạng oxy hoạt động (reactive oxidative species: ROS) như: các gốc peroxyl radicals (ROO.), nitric oxide (NO.), anion superoxide (O2.-), oxy đơn bội (1O2.-) và hydrogen peroxide (H2O2).
Các ROS có thể gây nên các tổn thương oxy hóa cho các đại phân tử sinh học như DNA, các lipid hoặc protein, khởi đầu hoặc tiến triển một số bệnh như ung thư, mù lòa, bệnh tim mạch, viêm khớp dạng thấp, bệnh Parkinson hoặc Alzheimer. Các chất chống oxy hóa (antioxidants) có khả năng trung hòa, làm chậm hoặc ức chế sự oxy hóa của các chất oxy hóa (Bellisle F, 1998 [1]).
- Bảo vệ hoạt động cấu trúc và chức năng của DNA: cần sử dụng vitamin E, vitamin C, các cartenoid, các polyphenol như các flavonoid.
- Bảo vệ hoạt động cấu trúc và chức năng của các acid béo không no chứa nhiều nối đôi: cần sử dụng vitamin E, vitamin C, các cartenoid, các polyphenol như các flavonoid.
- Bảo vệ hoạt động cấu trúc và chức năng của các lipoprotein: cần sử dụng vitamin E, vitamin C, các cartenoid, các polyphenol như các flavonoid.
- Bảo vệ hoạt động cấu trúc và chức năng của các protein: cần sử dụng vitamin E, vitamin C, các cartenoid, các polyphenol như các flavonoid.
3.4. Thực phẩm chức năng có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch:
Bệnh tim mạch là nguyên nhân chủ yếu gây hẹp các động mạch, làm giảm việc cấp oxy cho tim, cơ, não, ruột và thận. Các thực phẩm chức năng giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch gồm:
- Để duy trì sự ổn định của lipoprotein nội môi: cần sử dụng các thực phẩm có ít acid béo no, giàu acid béo không no, các phytosterol, các phytostanol, chất xơ hòa tan, các protein đậu tương, ...
- Bảo vệ sự toàn vẹn của động mạch: cần sử dụng các chất chống oxy hóa, acid béo omega-3 từ cá.
- Kiểm soát khả năng đông máu: cần acid béo omega-3 từ cá, các chất chống oxy hóa, acid linoleic.
- Kiểm soát tăng huyết áp: làm giảm năng lượng, giảm NaCl, sử dụng acid béo omega-3 từ cá.
- Kiểm soát mức độ homocysteine: sử dụng acid folic, vitamin B6, vitamin B12.
3.5. Thực phẩm chức năng có tác dụng điều hòa chức năng tiêu hóa:
- Điều hòa chức năng tiêu hóa và tạo phân tối ưu: cần sử dụng các chất xơ, các probiotic, prebiotic và synbiotic.
- Cân bằng hệ vi khuẩn đại tràng: sử dụng các probiotic, prebiotic và synbiotic.
- Kiểm soát chức năng của mô bạch huyết ở ruột: sử dụng các probiotic, prebiotic và synbiotic.
- Kiểm soát các sản phẩm lên men: dùng prebiotic và synbiotic (FUFOSE and ILSI Europe, 1999 [5]).
3.6. Thực phẩm chức năng có tác dụng điều hòa chức năng thần kinh và tâm thần
- Tạo cảm giác ngon: sử dụng các protein, các chất thay thế chất béo hoặc đường.
- Tăng cường nhận thức: glucose, caffeine, các vitamin nhóm B và choline.
- Kích thích tinh thần: rượu, các carbohydrate, các acid amin như tyrosine và tryptophan.
- Hạn chế stress: sử dụng các carbohydrate, sucrose.
Ngày nay, ngoài 6 loại thực phẩm chức năng nêu trên, nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng làm đẹp, làm săn chắc da, chống lão hóa, tăng cường sinh lực, chống rụng tóc, … cũng đã được sản xuất nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ điều trị và kéo dài tuổi thọ.
Kết luận:
1. Việc phát hiện “Bộ gen dinh dưỡng” ở người gần đây đã dẫn đến khái niệm về “Cá thể hóa về dinh dưỡng” và quan điểm mới về việc sử dụng thực phẩm chức năng.
2. Thực phẩm chức năng là thực phẩm nguyên vẹn, thực phẩm có một hoặc nhiều chất dinh dưỡng được thêm vào, làm giàu hoặc tăng cường, có tác dụng có lợi trên sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
3. Các thành phần thực phẩm chức năng có trong nhiều loại thực phẩm thực vật và động vật với hàm lượng và vai trò khác nhau.
4. Có 6 loại thực phẩm chức năng chính: thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển bào thai và trẻ em, điều hòa chuyển hóa, chống oxy hóa, phòng ngừa nguy cơ bệnh tim mạch, điều hòa chức năng của hệ tiêu hóa và của hệ thần kinh.
5. Thực phẩm chức năng kết hợp với một lối sống lành mạnh có thể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ điều trị và kéo dài tuổi thọ.
Tài liệu tham khảo
1.Bellisle F, Diplock AT, Horntra G, et al. Functional Food Science in Europe. British Journal of Nutrition 1998; 80(Suppl 1): S1-S193.
2.Clemons TE, Kurinij N, Sperduto RD. AREDS Research Group. Associations of mortality with ocular disorders and an intervention of high dose antioxidant and Zine in the age-related eye disease study: AREDs report No 13. Arch Ophthamol 2004; 122: 716-726.
3.Donaldson MS. Nutrition and cancer: A Review of the Evidence for an Anti-cancer Diet. Nutr J 2004; 3-19.
4.Ferguson LR. Nutrigenomics and Nutrigenetics in Functional Foods and Personalized Nutrition. 1st Edition. CRC Press 2013: 1-451.
5.FUFOSE and ILSI Europe. Scientific concepts of functional foods in Europe consensus document. British Journal of Nutrition 1999; 81: S1-S27.
6.Gates MA, Tworoger SS, Hecht JL, et al. A prospective study of dietary flavonoid intake and incidence of epthelial ovarian cancer. Int J Cancer 2007; 121(10): 2225-2232.
7.Hannan JM, Ali L, Rokeya B, et al. Soluble dietary fibre fraction of Trigonella foenum-graecum (fenugreek) seed improves glucose homeostasis in animal models of type 1 and type 2 diabetes by deleying carbohydrate digestion and absorption, and enhancing insulin action. Br J Nu 2007; 97(3): 514-521.
8.Hasler CM, Bloch AS, Thomson CA, Enrion E, Manning C. Position of the American Dietetic Association: Functional foods. J Am Diet Assoc 2004 May; 104(5): 814-826.
9.Howlett J. Functional foods from science to health and claims. ILSI Europe 2008: 1-35.
10.Lai H, Lai S, Shor-Posner G, et al. Plasma Zine, Copper, Copper: Zine Ratio, and Survival in a Cohort of HIV-1-infected Homosexual Men. J Aceuir Immun Defic Syndr 2001; 27(1): 56-62.
11.Montgomery KS. Soy protein. J Perinat Educ 2003; 12(3): 42-45.
12.Neeha VS and Kinth P. Nutrigenomics research: a review. J Food Sci Technol 2013 Jun; 50(3): 415-428.
Về các loại thực phẩm chức năng của Mỹ tốt nhất hiện nay các bạn nên tham khảo tại: Các loại thực phẩm chức năng của Mỹ tốt nhất hiện nay
Bạn có thể tham khảo thêm tại:
Viết bình luận