Rau đắng đất là loại rau mọc dại nhiều ở những nơi ẩm ướt. Vậy tác dụng của rau đắng đất với sức khỏe con người như thế nào là câu hỏi của nhiều người. Trong Y Học Cổ Truyền, cây rau đắng đất có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, giải độc, lợi tiểu, chỉ ngứa. Dùng để điều trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa như táo bón, kiết lỵ hoặc bệnh đường tiết niệu như đi tiểu buốt rắt, viêm bàng quang, sỏi thận, viêm thận gây phù nề. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết về tác dụng của rau đắng đất.
1. Tổng quan về rau đắng đất
Tên thường gọi: Rau đắng đất, rau đắng lá vòng
Tên khoa học: Glinus oppositifolius (L.) A. DC.; Mollugo oppositifolia L.
Họ: Rau đắng đất (Aizoaceae)
+ Đặc điểm rau đắng đất:
Rau đắng đất, hay còn gọi là rau đắng lá vòng, là một loài cây thân thảo có thân và cành mảnh, mọc tỏa sát mặt đất, dài và nhẵn. Lá có hình mác, thuôn dài. Hoa có màu lục nhạt, cuống dài, những lá phía bên ngoài ngắn, lá bên trong rộng hơn, không có cánh hoa. Mùa hoa quả thường rơi vào tháng 4 – tháng 7.
Ở Việt Nam, loài cây này phân bố dọc theo các tỉnh ven biển từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loài cây ưa sáng, thường mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước vào mùa khô. Nhờ có khả năng phân nhánh khỏe nên chúng thường mọc thành từng đám dày đặc, lấn át các loại cỏ khác. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt.
+ Thu hái và chế biến dược liệu:
Bộ phận dùng làm dược liệu là toàn cây.
Dược liệu có thể thu hái quanh năm, tuy nhiên giai đoạn tốt nhất là khi cây chưa ra hoa.
Chế biến dược liệu: Rửa sạch đất trước khi dùng, có thể sử dụng dược liệu dạng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Bảo quản dược liệu: Dược liệu tươi có thể bảo quản trong tủ lạnh vài ngày. Dược liệu khô cần giữ nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc và nơi ánh sáng trực tiếp.
+ Thành phần hóa học:
Trong cây rau đắng đất chứa chủ yếu saponin và flavonoid. Các nhà khoa học đã phân lập được spergulagenin A (một saponin triterpen) từ lá. Ngoài ra, trong cây còn có chứa tanin, vitamin C, catotin, đường, tinh dầu và một ít alkaloid.
2. Tác dụng của rau đắng đất với sức khỏe con người
Rau đắng đất có tác dụng gì là thắc mắc ở nhiều người. Ngoài việc sử dụng làm rau, bổ sung vào bữa ăn hàng ngày, loại rau này còn được ví như “vị thuốc của dân tộc”. Bởi, chúng mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
+ Theo Y học cổ truyền:
Theo Y học cổ truyền, rau đắng đất có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, nhuận gan, giải độc gan, lợi tiểu, trị ngứa. Dùng để điều trị các bệnh như:
Táo bón, kiết lỵ
Tiểu buốt, tiểu rắt
Viêm bàng quang
Sỏi thận, viêm thận gây phù nề
+ Theo Y học hiện đại:
Y học hiện đại nghiên cứu và tìm ra các tác dụng:
Lợi tiểu, cải thiện tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, bí tiểu.
Hỗ trợ giảm cholesterol và triglyceride trong máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, điều hòa huyết áp.
Mát gan, giải độc, thanh nhiệt, chữa các bệnh ngoài da do nóng gan, điều trị các bệnh về gan.
Ngọn của rau đắng đất có tác dụng hạ sốt, trị mụn nhọt, làm lành vết thương, giảm đau nhức xương khớp.
Nước ép của rau đắng đất giúp tăng cường hệ miễn dịch, kháng viêm.
3. Các bài thuốc từ rau đắng đất
Tùy vào mục đích trị bệnh, các bài thuốc trị bệnh từ rau đắng đất được điều chế như sau:
+ Rau đắng đất trị tiểu tiện rắt, buốt: Dùng rễ cây rau đắng, hạt ké vông vang, mộc thông, xa tiền tử, nhân trần, lá tre, mỗi vị 8g; thông thảo, đăng tâm thảo, mỗi vị 3g, sắc uống, ngày một thang.
+ Rau đắng đất trị tiểu tiện ít và khó khăn: Dùng rau đắng đất 16g, xa tiền tử, tỳ giải, mộc thông mỗi vị 12g, chi tử 8g, sắc uống ngày một thang.
+ Rau đắng đất trị viêm bàng quang cấp tính: Dùng rau đắng đất 12g, tỳ giải, bồ công anh mỗi vị 20g, hoàng cầm, sài hồ, hoạt thạch, cù mạch, mỗi vị 12g, mộc thông 6g. Nếu đi tiểu ra máu, cho thêm sinh địa, chi tử (sao đen) và bạch mao căn (sao đen), mỗi vị 12g.
+ Rau đắng đất trị ngứa hậu môn, ngứa âm hộ ở phụ nữ: Dùng khoảng 200g rau đắng đất tươi, sắc lấy nước rửa, ngày 1 - 2 lần.
+ Rau đắng đất điều trị giun đũa ở trẻ em: Lấy 100g rau đắng tươi, sắc uống, ngày một lần.
+ Điều trị đau răng: Lấy cây rau đắng rửa sạch, sắc nước uống ngày 2 lần, uống trong khoảng 2 – 3 ngày sẽ thấy có hiệu quả.
+ Rau đắng đất trị nhiệt miệng: Lấy một nắm rau đắng rửa sạch rồi giã lấy nước cốt ngậm trong miệng vài phút rồi nuốt từng chút một. Với trẻ em, có thể lấy đầu tăm bông thấm nước cốt cây rau đắng đất chấm lên vết loét cho bé.
+ Điều trị mụn nhọt độc, quai bị sưng tấy đỏ đau: Dùng một nắm rau đắng đất tươi rửa sạch, cho thêm chút muối ăn giã nát, đắp lên mụn nhọt, quai bị nhiều lần trong ngày.
Ngoài công dụng chữa bệnh, loài cây này còn là một loại rau vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, xuất hiện trong các bữa ăn dân dã. Các món đặc sản miền Tây như lẩu cá kèo, lẩu mắm hay canh cá lóc, canh cá rô đồng… thường không thể thiếu rau đắng đất. Trong các bữa nhậu của người miền Nam cũng hay có đĩa rau này, vừa là một loại rau gia vị vừa có tác dụng giải rượu hiệu quả.
4. Lưu ý khi sử dụng dược liệu
Mặc dù rau đắng đất là vị thuốc tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng người bệnh cần lưu ý:
Cần phân biệt rau đắng đất và rau đắng biển để tránh dùng nhầm vị thuốc.
Ngoài các bài thuốc kể trên, chúng ta có thể chế biến loại rau dân dã này thành các món ăn như: canh rau đắng, rau đắng xào, ăn sống… để bồi bổ sức khỏe.
Để sử dụng các bài thuốc trên, người dùng tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, không tự ý sử dụng.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu về tác dụng của rau đắng với sức khỏe con người như thế nào. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và người thân, cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !
Có thể bạn quan tâm:
>>> Công dụng của Vitamin D3 với sức khỏe con người như thế nào?
>>> Công dụng của tinh dầu tràm với sức khỏe con người như thế nào?
Viết bình luận