Rau dền đỏ là loại rau quen thuộc với người dân Việt Nam từ nông thôn đến thành thị. Vậy công dụng của rau dền đỏ với sức khỏe như thế nào là câu hỏi của nhiều người. Rau dền là loại rau mùa hè có tác dụng mát gan, thanh nhiệt. Rau dền có nhiều loại phổ biến nhất là rau dền cơm, sau đó đến các loại như rau dền đỏ, dền trắng, dền gai... Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết về công dụng của rau dền đỏ với sức khỏe con người như thế nào.
* Tổng quan về rau dền
Chi Dền là những loài cây thân thảo, có bộ rễ khỏe, ăn sâu nên khả năng chịu hạn, chịu nước tốt, sức nảy mầm cao. Dền thường có một thân thẳng, cành vươn vừa phải, những loài trồng lấy hạt có hoa tạo thành cụm hình chùy ở đầu cành còn những loại lấy rau có hoa mọc dọc theo cành. Các loài trong chi dền được thấy ở cả vùng đồng bằng lẫn vùng núi ở độ cao đến 1.500m như Hymalaya, Andes... Chu kỳ phát triển của nó tương đối ngắn, các giống dền trắng và dền đỏ ở Việt Nam gieo hạt sau 25 - 30 ngày là có thể đem trồng, sau khi trồng 25 - 30 ngày đã thu hoạch được. Các loài dền hạt trồng làm cây lương thực gieo hạt sau 3 - 4 ngày bắt đầu nảy mầm và ra hoa sau đó khoảng 2 tháng rưỡi.
Thành phần dinh dưỡng: Thân và lá rau dền có vị ngọt, chứa sắt, vitamin B2, vitamin C, axít nicotic và canxi (dền gai có hàm lượng canxi tối đa đến 0,2%). Hạt ngoài các thành phần vitamin A, vitamin C còn giàu tinh bột, đạm thực vật (các loài dền hạt trồng làm lương thực có hàm lượng đạm thực vật từ 12 đến 16%) và lysin.
* Công dụng của rau dền đỏ
Ngày nay khi đời sống vật chất đã đầy đủ, người ta không còn đánh giá cao loại rau này. Nhưng thực ra, rau dền là loại rau rất quý, từng có rất nhiều đóng góp trong đời sống dinh dưỡng và sức khỏe của con người. Theo y học cổ truyền, rau dền đỏ có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, sát trùng, trị kiết lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt...
Về khía cạnh dinh dưỡng, rau dền đỏ chứa nhiều protid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng. Hàm lượng chất sắt trong rau dền nhiều hơn so với bó xôi, hàm lượng canxi gấp 3 lần. Trên tờ Sức khỏe và Đời sống năm 1995, DS Bảo Hoa có bài viết ghi nhận những giá trị to lớn của rau dền đối với vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe của con người như sau:
+ Hạt rau dền tía (dền đỏ) có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là loại rau dền ở Cu-ba, với hàm lượng tinh bột 62%, chất béo 6%, protid 16 – 18%, cao hơn cả lúa mì và các loại ngũ cốc khác.
+ Nhân hạt có vị như hạt bồ đào, thêm vào bột mì làm chất lượng bánh ngon hơn và lại thêm tác dụng bổ dưỡng. Trong chăm nuôi gia cầm, nếu thêm vào thức ăn của gà con một ít hạt giền tía gà sẽ lớn nhanh gấp 6 lần.
+ Đặc biệt trong hạt rau dền tía có một loại acid amin quan trọng nhất mà cơ thể con người không thể tự tạo ra, với hàm lượng cao hơn ngô 3 - 3,5 lần, lúa mì 2 - 2,5 lần.
+ Từ hạt dền tía, người ta ép được một thứ dầu dùng làm nguyên liệu để sản xuất các thuốc chống viêm (steroid).
Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chú ý đến rau dền tía để giải quyết vấn đề protid. Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO) đã khẳng định vai trò của rau giền tía trong kinh tế phụ gia đình.
Lá dền tía chứa vitamin A, B2, C, P dùng mỗi lần 40 - 50g, cắt nhỏ, nấu với nước bo bã, rồi thêm gạo nếp nấu cháo ăn chữa sản hậu (Nam dược thần hiệu). Dùng ngoài, lá dền tía giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp chữa rắn độc cắn.
Rễ rau dền tía phối hợp với rễ bí ngô, sắc uống chữa chảy máu do sẩy thai.
Ngoài ra, các nhà bác học Nhật Bản đã phát hiện khả năng tẩy sạch chất phóng xạ trong cơ thể con người của rau dền tía; còn dầu hạt dền được sử dụng để điều trị các bệnh do nhiễm phóng xạ.
* Các bài thuốc từ rau dền đỏ
- Thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá: Dền đỏ 100g, dền cơm 50g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay; nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua.
- Phụ nữ sau sinh nóng trong, đại tiện không thông: Dền đỏ 50g, rửa sạch thái khúc, nấu bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày, 5 ngày một liệu trình.
- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Rau dền đỏ 20g, lá mã đề non 20g, lá dâu bánh tẻ 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu canh, thêm gia vị cho vừa ăn hằng ngày. 10 ngày 1 liệu trình.
- Nhuận tràng: 1 nắm rau dền đỏ luộc trong 3 phút, trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen ăn với cơm. Cũng có thể nấu dạng canh ăn cũng rất hiệu nghiệm với các trường hợp táo bón.
- Lở ngứa do huyết nhiệt: Rau dền đỏ 20g, kim ngân hoa 12g, ké đầu ngựa 16g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.
Lưu ý: Rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người, tiêu lỏng và tiêu chảy mạn tính, phụ nữ có thai hư hàn.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu xem công dụng của rau dền đỏ với sức khỏe con người như thế nào. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho bạn và người thân. Cảm ơn bạn đã quan tâm, chúc bạn và gì đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !
Có thể bạn quan tâm:
>>> Công dụng của cải bắp với sức khỏe con người như thế nào
>>> Công dụng của rau húng chó với sức khỏe con người như thế nào
>>> Công dụng của rau dền cơm với sức khỏe con người như thế nào
Viết bình luận