Cập nhật mới nhất về chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa và quản lý bệnh Virus Corona-19 (COVID-19)
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Tóm tắt
1) Một coronavirus mới, là bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) lần đầu tiên được thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2019. Cấu trúc COVID-19 gồm: một chuỗi RNA đơn, dương và 4 protein cấu trúc là các protein S, M, E và N, hemagglutinin esterase dimer (HE) và một số protein hỗ trợ khác.
2) Triệu chứng của COVID-19: sự nhiễm COVID-19 ban đầu có thể xuất hiện với một vài hoặc không có triệu chứng, hoặc có thể phát triển thành các dấu hiệu và triệu chứng gồm các triệu chứng hô hấp, sốt, ho, thở nông và khó thở. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh có thể gây viêm phổi, hội chứng hô hấp cấp nặng, suy thận và thậm chí tử vong. Thời gian ủ bệnh của COVID-19 từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng thường từ 2 đến 14 ngày.
3) Chẩn đoán COVID-19: Chẩn đoán lâm sàng: các triệu chứng chính của COVID-19 bao gồm các triệu chứng hô hấp, sốt, ho, thở nông và khó thở. Chẩn đoán bằng xét nghiệm: nhiễm COVID-19 có thể được phát hiện bằng cách sử dụng xét nghiệm rRT-PCR thời gian thực (rRT- PCR) với bệnh phẩm đường hô hấp hoặc huyết thanh.
4) Điều trị COVID-19: không có cách điều trị cụ thể cho bệnh này, vì vậy phương pháp được sử dụng để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 là điều trị các triệu chứng lâm sàng (sốt, khó thở).
Chăm sóc hỗ trợ (điều trị và theo dõi hỗ trợ - liệu pháp oxy, quản lý chất lỏng và thuốc kháng virus) có thể có hiệu quả cao đối với những người bị nhiễm bệnh.
5) Phòng ngừa COVID-19: hiện tại chưa có vaccin để ngăn ngừa bệnh COVID-19. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh tiếp xúc với căn bệnh này. Nhiều tổ chức đang sử dụng bộ gen được công bố để phát triển vaccin có thể chống lại COVID-19.
6) Quản lý COVID-19: trong quản lý bệnh COVID-19, thực hành tốt nhất đối với COVID-19 và chăm sóc hỗ trợ tối ưu cho bệnh nhân bị bệnh nặng là rất cần thiết. Chăm sóc hỗ trợ là chăm sóc tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng do COVID-19 gây ra, mà không điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh, nó liên quan đến việc sử dụng các liệu pháp hỗ trợ và theo dõi chặt chẽ bệnh nhân.
*
Latest Update on Diagnosis, Treatment, Prevention and Management of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19)
Luat nghiem Nguyen MEDLATEC General Hospital
Abstract
1) The new coronavirus, now known coronavirus disease 2019 (COVID-19), was first encountered in Wuhan, China, in December 2019. The COVID-19 structure include: a single positive RNA chain and 4 structural proteins such as proteins S, M, E and N, hemagglutinin esterase dimer (HE) and other helper proteins.
2) Symptomes of COVID-19: the COVID-19 infection may initially present with few or no symptoms, or may develop into signs and symptoms include respiratory symptoms, fever, cough, shortness of breath and breathing difficulties. In more severe cases, infection can cause pneumonia, severe acute respiratory syndrome, kidney failure and even death. The incubation period of COVID-19 from exposure to onset of symptoms is generally between 2 and 14 days.
3) Diagnosis of COVID-19: Clinical diagnosis: main symptoms of COVID-19 include respiratory symptoms, fever, cough, shortness of breath and breathing difficulties. Laboratory Diagnosis: the COVID-19 infection may be detected by the use of real-time RT PCR (rRT-PCR) assays in respiratory specimens and sera.
4) Treatment of COVID-19: there is no specific treatment for this disease so the approach used to treat patients with COVID-19 is to treat the clinical symptoms (fever, difficulty breathing). Supportive care (supportive therapy and monitoring - oxygen therapy, fluid management and antivirals) can be highly effective for those infected.
5) Prevention of COVID-19: there is currently no vaccine to prevent coronavirus disease 2019 (COVID-19). The best way to prevent illness is to avoid being exposed to this disease. Many organizations are using published genomes to develop possible vaccines against COVID-19.
6) Management of COVID-19: in the management of COVID-19, best practices for COVID-19 and optimized supportive care for severely ill patients are essential. The supportive care is care that focuses on relieving symptoms caused by COVID-19, without treating the underlying cause of the disease, it involves giving supportive therapy and close monitoring of patients.
*
Trong hai thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến các dịch bệnh và đại dịch, các bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng, có nguyên nhân là virus. Các bệnh này bao gồm cúm H5N1 năm 1997, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 và đại dịch cúm năm 2009, MERS- CoV năm 2012 và cuối năm 2019 xuất hiện loại coronavirus mới, gọi là bệnh hô hấp cấp tính SARS-CoV-2 (Hui DS, 2020 [7]).
Bệnh virus corona 2019 (COVID-19), còn được gọi là bệnh hô hấp cấp tính 2019-nCoV, là một bệnh truyền nhiễm do SARS-CoV-2, một loại virus liên quan chặt chẽ với virus SARS. Virus này được WHO đặt tên là 2019-nCoV vào ngày 12/ 1/ 2020 và đổi tên thành COVID-19 (coronavirus disease 2019) vào ngày 11/ 2/ 2020. COVID-19), là tên ghép của các từ "CO" là viết tắt của "corona" (vương miện), "VI" là "virus", "D" là “disease" (bệnh), và "19" là 2019 vì dịch bệnh lần đầu tiên được xác định vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 (WHO, 2020 Feb 11 [11]).
Hiện nay, tình hình nhiễm COVID-19 được WHO cập nhật hàng ngày. Tính đến ngày 18/ 2/ 2019, tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 toàn cầu là 73 332 ca (1901 ca mới), riêng ở Trung Quốc là 72 528 ca (1891 mới), 1870 ca tử vong (98 mới), bên ngoài Trung Quốc 804 ca (10 mới), ở 25 quốc gia có 3 ca tử vong. Tình hình nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc: rất cao, ở cấp khu vực: cao, và ở toàn cầu: cao (WHO, 2020 Feb 18 [12]).
Để có thể phát hiện, điều trị, phòng bệnh và quản lý COVID-19 một cách tốt nhất, người thầy thuốc, các điều dường viên và kỹ thuật viên cần hiểu rõ hơn về virus này về cơ chế sinh bệnh học, miễn dịch học, trình tự bộ gen, là các yếu tố của nghiên cứu hiện tại để phát triển các loại thuốc để điều trị và phát triển vaccin. Việc truyền thông rộng khắp, cập nhật tình hình diễn biến kịp thời hàng ngày về COVID-19 của WHO, việc quản lý và kiểm soát nhiễm trùng của các quốc gia là các biện pháp hiệu quả để chữa khỏi, ngăn ngừa và chặn đứng sự lan rộng của bệnh.
1. Sinh học của COVID-19
• COVID-19 là một virus đường hô hấp thuộc họ coronaviridae, chi coronavirus (virus hình vương miện), là loại virus có bộ gen RNA chuỗi đơn, dương, đường kính 80 -120 nm.
• Hiện có 7 loại coronavirus đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (Centers for Disease Control and Prevention: CDC) Hoa Kỳ xác định, bao gồm:
• Các coronavirus thông thường ở người gồm:
1) 229E (alpha coronavirus)
2) NL63 (alpha coronavirus)
3) OC43 (beta coronavirus)
4) HKU1 (beta coronavirus)
• Các coronavirus khác ở người gồm:
5) MERS-CoV (beta coronavirus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông, hay MERS)
6) SARS-CoV (beta coronavirus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay SARS)
7) Coronavirus mới 2019 (Novel coronavirus 2019): SARS-CoV-2) hay COVID-19, là một coronavirus mới được xác định, là nguyên nhân gây ra dịch bệnh hô hấp được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, cuối năm 2019.
• Về cấu trúc phân tử, COVID-19 là một virus có bản chất RNA, gồm 1 chuỗi dương RNA có kích thước 29.903 base và 4 protein cấu trúc (structural proteins) gồm protein bề mặt spike glycoprotein S (spike), protein vỏ E (evelop), protein màng M (membrane), protein N (nucleocapsid) gắn với chuỗi đơn RNA của virus, hemagglutinin esterase dimer (HE) và một số protein hỗ trợ khác (other helper proteins). Các protein S bề mặt làm cho COVID-19 có hình dáng giống như vương miện (corona), nên được đặt tên là virus vương miện (coronavirus). Mặt cắt cho thấy các thành phần bên trong của virus (Sahin AR, 2020 [10]) (Hình 1).
Hình 1. Sơ đồ cấu trúc phân tử của virus corona 19: các protein bề mặt (spike glycoprotein) làm cho virus có hình dáng một chiếc vương miện (corona).
(Nguồn: https://commons.wikimedia.org/wiki/File: 3D medical animation corona virus.jpg)
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh COVID-19
Virus COVID-19 gây ra viêm phổi cấp với các triệu chứng cấp tính từ nhẹ đến nặng, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của nhiễm COVID-19 có thể gồm:
• Sốt liên quan đến các triệu chứng giống như cúm gồm ho, hắt hơi, nhức đầu, đau họng
• Thở nông, khó thở
• Tiêu chảy sau khi vi khuẩn xâm chiếm niêm mạc biểu mô của đường tiêu hóa
• Suy nhược cơ thể, mệt mỏi và đau cơ (Chen N, 2020 [2]); Các triệu chứng nặng hơn có thể gồm:
• Ho ra máu, giảm bạch cầu khi có các biến chứng của hội chứng suy hô hấp cấp nặng
• Tổn thương tim cấp tính, do giảm bạch cầu
• Tổn thương phổi
• Tổn thương thận cấp
• Sốc nhiễm khuẩn
• Viêm phổi hai bên phát hiện bằng chụp cắt lớp vi tính (CT) (Huang C, 2020 [6], Kui L, 2020 [8]).
Các trường hợp nặng có thể biến chứng thành viêm phổi nặng, suy đa tạng hoặc tử vong.
Hình 2. Các triệu chứng nhiễm COVID-19
Thời gian ủ bệnh, kể từ khi tiếp xúc với Covid-2 đến khi khởi phát, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính là từ 2 đến 10 ngày và 2 đến 14 ngày bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Cotrol and Prevention: CDC).
3. Chẩn đoán nhiễm COVID-19
3.1. Chẩn đoán lâm sàng:
Chẩn đoán lâm sàng đối với COVID-19 dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng: sốt, đau đầu, đau cơ, hắt hơi và ho. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm COVID-19, cần được kiểm tra virus bằng PCR.
3.2. Chẩn đoán bằng xét nghiệm:
Hiện tại, các xét nghiệm chẩn đoán có sẵn nhằm mục đích phát hiện sớm các nguyên nhân gây viêm phổi, có thể được thực hiện để phát hiện COVID-19. Các bệnh phẩm sử dụng để phát hiện nhiễm COVID-19 theo khuyến nghị của WHO có thể gồm:
1) Các chất liệu thu được từ đường hô hấp bao gồm dịch mũi họng và hầu họng, đờm, dịch hút nội khí quản, hoặc dịch rửa phế quản ở bệnh nhân mắc bệnh hô hấp nặng.
2) Mô từ sinh thiết hoặc khám nghiệm tử thi bao gồm cả những người từ phổi
3) Máu toàn phần
4) Mẫu nước tiểu
5) Huyết thanh để xét nghiệm huyết thanh học, mẫu cấp tính và mẫu dưỡng bệnh (2-4 tuần sau giai đoạn cấp tính)
Việc thu thập các mẫu cần được thực hiện một cách thận trọng và tất cả các mẫu được coi là có khả năng lây nhiễm liên quan đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn Kiểm soát và Phòng ngừa Nhiễm trùng. Các phương pháp chẩn đoán được đề nghị bao gồm;
1) Phân lập virut trong tế bào biểu mô đường hô hấp của người.
2) Sử dụng xét nghiệm pan-coronavirus để khuếch đại
3) Tiếp theo là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymer sao chép ngược thời gian thực (Real time Reverse Transcription-Polymarase Chain Reaction: rRT-PCR) đã được thiết kế để phát hiện các chuỗi virus (Corman VM, 2020 [5]).
4) Giải trình tự bộ gen và phân tích bộ gen bằng tin sinh học bao gồm xây dựng cây phát sinh gen để phân biệt các đặc điểm của SARS-CoV-2 với các coronavirus khác.
5) Xét nghiệm huyết thanh học để xác nhận đáp ứng miễn dịch đối với loại virus cụ thể, xác định, đo lường và định lượng cytokine.
Xét nghiệm được Tổ chức Y tế thế giới cho phép sử dụng để phát hiện COVID-19 là phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (rRT-PCR). Xét nghiệm này được thực hiện trên các mẫu dịch đường hô hấp hoặc máu. Kết quả thường đạt được trong vòng vài giờ đến vài ngày. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phân lập một chủng coronavirus và công bố trình tự gen để các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới có thể độc lập phát triển các xét nghiệm PCR để phát hiện nhiễm trùng bởi virus (CDC, 2020 [3], Cohen J và Normile D, 2020 [4]).
4. Điều trị bệnh COVID-19
• Hiện chưa có thuốc điều trị kháng virus COVID-19 đặc hiệu được Khoa học nghiên cứu chứng minh và xác nhận. Những người mắc COVID-19 nên được chăm sóc hỗ trợ để giúp giảm triệu chứng. Đối với các trường hợp nghiêm trọng, điều trị nên bao gồm chăm sóc để hỗ trợ các chức năng quan trọng của cơ quan.
• Một số nghiên cứu đang được tiến hành bởi một số phòng thí nghiệm trên toàn thế giới về việc phát triển các loại thuốc kháng virus mới chống lại COVID-19 (Amy Maxmen, 2020 [1]).
• Khi dịch bệnh ban đầu được WHO báo cáo, phương pháp điều trị ban đầu được thực hiện trên những bệnh nhân đầu tiên là corticosteroid. Corticosteroid có tác dụng làm giảm các chứng viêm do các đợt viêm phổi nặng, một phương pháp điều trị ban đầu được áp dụng cho những bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus cúm.
• Khi sự hiểu biết về căn bệnh tiến triển, người ta bắt đầu thử nghiệm các phương pháp điều trị viêm phổi hiện có để kiểm soát các bệnh nhân có các triệu chứng giống như viêm phổi.
• Hiện tại, thuốc mới chống coronavirus Remdesivir đang được thử nghiệm lâm sàng bởi một số tổ chức y tế, nhằm mục đích nghiên cứu tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Remdesivir là một loại thuốc chống virus, một tiền chất tương tự nucleotide, ban đầu được sản xuất để điều trị ebola, nay được sử dụng cho bệnh nhân đầu tiên ở Hoa Kỳ với COVID-19, cho thấy sự cải thiện trong những ngày dùng thuốc đầu tiên.
• Các nghiên cứu về hiệu quả của các thuốc chống siêu vi phổ rộng hiện có, như thuốc ức chế protease, Saquinavir và Lopinavir và Carfilzomid, thuốc chống virus hợp bào hô hấp, thuốc chống tâm thần phân liệt, thuốc ức chế miễn dịch.
• Thuốc y học cổ truyền Trung Quốc (Polygonum cuspidatum).
• Các thuốc ức chế RNA polymerase như triazavirin, interferon-beta, cho thấy có hiệu quả trong mô hình động vật chống lại MERS-CoV, đang được điều tra để điều trị bệnh COVID-19.
5. Phòng ngừa bệnh COVID-19
Hiện chưa có vaccin để ngăn ngừa bệnh COVID-19 nên cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh tiếp xúc với căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, Feb 18 [12]) đã công bố các biện pháp phòng ngừa để giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp, bao gồm:
• Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
• Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của người bệnh.
• Ở nhà khi bị bệnh.
• Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó ném khăn giấy vào thùng rác.
• Làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng cách sử dụng bình xịt hoặc lau chùi thông thường trong gia đình.
• Tránh tiếp xúc với trang trại hoặc động vật hoang dã như dơi.
• Tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín.
• Thực hiện theo khuyến nghị của WHO bằng cách sử dụng khẩu trang.
Cần sử dụng khẩu trang cho những người có triệu chứng COVID-19 để giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sang người khác. Việc sử dụng khẩu trang cũng rất quan trọng đối với nhân viên y tế, những người đang chăm sóc bệnh nhân và những người đang sử dụng các phương tiện công cộng.
• Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.
• Khi phát hiện nguyên nhân có thể gây ra mầm bệnh gây bệnh hô hấp cấp COVID-19 cần được báo ngay cho cơ quan chăm sóc sức khỏe địa phương, vùng và quốc gia để xử lý ngay, gồm cả nguyên nhân gây nhiễm COVID-19 ở cả động vật và người.
6. Quản lý bệnh COVID-19
Hiện tại, WHO đã tuyên bố bệnh hô hấp cấp tính COVID-19, sự bùng phát virus là một tình trạng khẩn cấp, đáng lo ngại trên phạm vi quốc tế, do số lượng ca bệnh trong và ngoài Trung Quốc tăng lên và các biện pháp quyết liệt mà một số quốc gia đang thực hiện liên quan đến hạn chế đi đến và ra khỏi Trung Quốc.
Vì những trường hợp này được báo cáo và cập nhật cho chính quyền toàn cầu, có sự gia tăng bệnh nhân nhiễm bệnh được đăng ký hàng ngày, hiện chưa có chỉ định điều trị đặc hiệu chống lại virus. WHO đã đưa ra các khuyến nghị về cách quản lý nhiễm virus này chủ yếu ủng hộ các hệ thống hỗ trợ chăm sóc, là chăm sóc hỗ trợ sớm, chăm sóc tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, đưa ra các liệu pháp hỗ trợ và theo dõi chặt chẽ bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những hướng dẫn được khuyến nghị bởi những nhân viên chăm sóc sức khỏe như các bác sĩ, bác sĩ lâm sàng và kỹ thuật viên xét nghiệm gồm:
1) Sàng lọc sớm để phát hiện sự hiện diện của virus, là chìa khóa trong việc giảm lây lan. Sàng lọc cần được thực hiện sớm và khi sự hiện diện của virus được xác nhận, bệnh nhân phải được cách ly để tránh lây lan.
2) Quản lý các triệu chứng bằng cách đưa ra liệu pháp hỗ trợ và theo dõi các triệu chứng.
3) Các mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chỉ được thu thập bởi nhân viên được đào tạo.
4) Đánh giá chính xác các triệu chứng, đặc biệt là các triệu chứng suy hô hấp và hội chứng suy hô hấp cấp và sốc nhiễm trùng.
5) Phòng ngừa các biến chứng và sử dụng các phương pháp điều trị chống COVID-19 cụ thể và được khuyến nghị.
6) Bệnh nhân mang thai cần được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đặc biệt (Qiao J. 2020 [9]).
Những hiểu biết về sinh học của virus COVIVD-19, triệu chứng của bệnh, việc phát hiện sớm, điều trị bằng chăm sóc kịp thời, chữa khỏi, phòng tránh lây nhiễm và quản lý chặt chẽ, có thể giúp ngăn chặn sự lan truyền của loại virus gây viêm phổi cấp nguy hiểm này.
Tài liệu tham khảo
1. Amy Maxmen. More than 80 clinical trials lauch to test coronavirus treatments. Nature 2020; 578: 347-348.
2. Chen N, Zhou M, Xuan D, et al. Epidemiological and clinical characteristics of 99 cases of 2019 novel coronavirus pneumonia in Wuhan, China: a descriptive study. The Lancet 2020 Jan 30; 0 (10223): 507-513.
3. CDC. CDC Tests for 2019-nCoV. Centers for Disease Control and Prevention 2020 Feb 5.
4. Cohen J, Normile D. New SARS-like virus in China triggers alarm. Science 2020 Jan 17; 367 (6475): 234-235.
5. Corman VM, Landt O, Kaiser M, et al. Detection of 2019 novel coronavirus (2019-nCoV) by real-time RT-PCR. Euro Surveill 2020; 25(3): 2000045.
6. Huang C, Wang Y, Li XW, et al. Clinical features of patients infected with 2019 novel coronavirus in Wuhan, China. Lancet 2020 Jan 24; 395 (10223): 497-506.
7. Hui DS, I Azhar E, Madani TA, et al. The continuing 2019-nCoV epidemic threat of novel coronaviruses to global health – The latest 2019 novel coronavirus outbreak in Wuhan, China. Int J Infect Dis 2020 Jan 14; 91: 264-266.
8. Kui L, Fang YY, Deng Y, et al. Clinical characteristics of novel coronavirus cases in tertiary hospitals in Hubei Province. Chin Med J 2020 Feb 7; (Epub ahead of print).
9. Qiao J. What are the risks of COVID-19 infection in pregnant women? www.thelancet.com. Published online February 12, 2020.
10. Sahin AR, Erdogan A, Mutlu Agaoglu P, et al. 2019 Novel Coronavirus (COVID-19) Outbreak: A Review of the Current Literature. EJMO 2020; 4(1): 1-7.
11. World Health Organization (WHO). Novel Coronavirus (2019-nCoV), Situation report, 22 (PDF) (Report) 2020 Feb 11.
12. World Health Organization (WHO), Coronavirus disease 2019 (COVID-19), Situation Report - 29, Data as reported by 18 February 2020.
Viết bình luận